Điều gì đang “đánh đố” lãi suất?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kéo theo đó lại làm gia tăng sức ép lên tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp và kiểm soát lạm phát. Nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2016 vẫn còn ngổn ngang trăm mối lo.…

NHNN đang tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN đang tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất đang trong xu hướng đi lên trong 6 tháng cuối năm 2016, khiến cho nhiệm vụ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng càng khó khăn hơn.

Đầu tháng 7 vừa qua, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia (UBGSTC) đưa ra dự báo lãi suất huy động vốn có thể tiếp tục tăng tại một số nhà băng cổ phần nhỏ, chưa đáp ứng được các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Đặc biệt là lãi suất huy động trung và dài hạn do phải cân đối cơ cấu hợp lý hơn theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Lãi suất sẽ tăng?

Thực tế, một số ngân hàng nhỏ đã rục rịch tăng lãi suất kỳ hạn dài từ giữa tháng 6/2016 với mức tăng 0,3-0,7% so với cuối năm 2015. Đây cũng là diễn biến bình thường do là bước vào thời điểm chuẩn bị nguồn vốn phục vụ mùa kinh doanh bùng nổ vào cuối năm của doanh nghiệp.

Theo UBGSTC, nửa đầu năm 2016, thanh khoản tiền VND được đánh giá là khá dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm mạnh xuống 0,7-0,9% (kỳ hạn qua đêm), mức thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây.

Nguyên nhân chính là do nguồn cung khá dư thừa, huy động tăng cao trong khi tín dụng tăng ở mức tương đương so với cùng kỳ, NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ và bơm một lượng lớn tiền VNĐ ra nền kinh tế.

Ở đầu ra, lãi suất cho vay VNĐ quý I/2016 tăng nhẹ 0,2-0,5% ở kỳ hạn dài so với cuối năm 2015, nhưng sau đó, nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay nhằm hưởng ứng chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng hiện đang dồi dào sẽ hỗ trợ cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm, kéo theo cuộc đua đẩy lãi suất “nhảy vọt”.

Theo chuyên gia kinh tế Ts. Nguyễn Trí Hiếu, áp lực lớn nhất tới lãi suất của hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm là tốc độ tăng của lạm phát. Dự báo lạm phát cả năm 2016 ở mức mục tiêu 5% như Quốc hội giao, song nửa đầu năm nay, lạm phát tổng thể đã tăng cao, chủ yếu do giá các mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý được điều chỉnh mạnh.

Số liệu cập nhật của Tổng cục thống kê cho thấy chỉ số CPI tính đến hết tháng 6/2016 đã ở mức 2,35% so với cuối năm 2015. Và mức tăng được dự báo sẽ cao hơn trong những tháng tới do tác động của cung tiền ở mức cao với độ trễ khoảng 6 tháng.

“Lạm phát có thể tác động đến lãi suất trái phiếu Chính phủ, từ đó ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất nói chung”- ông Hiếu nhận định, đồng thời cũng lưu ý rằng các yếu tố quốc tế cũng có sức ép đáng ngại xuất hiện cuối tháng 6 như sự kiện Brexit, giá vàng tăng cao, USD…

Cuộc đua tăng lãi suất đã khởi động giữa tháng 6/2016 ở khối ngân hàng thương mại nhỏ, trong đó lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7%, lên quanh mức 7-7,5%/năm. Một số nhà băng nhanh tay nâng lãi suất ngắn hạn, như: Vietcombank tăng lãi suất huy động 0,1% lên mức 5,1%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng; từ 5,4%/năm lên 5,5%/năm đối với kỳ hạn 6 và 9 tháng.

Thách thức lạm phát

Eximbank áp dụng mức lãi suất huy động tăng 0,1%, lên 5,5%/năm với kỳ hạn 7 tháng, còn các kỳ hạn dài 15 và 18 tháng có lãi suất 5,8%/năm. VIB cũng tăng nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,75%/năm lên 4,9%/năm...

Mặc dù thanh khoản đều dồi dào do tăng trưởng huy động tăng vượt tăng trưởng tín dụng, song các ngân hàng đều chủ động tăng lãi suất để hút vốn, chuẩn bị cho nhu cầu vốn “bùng nổ” dịp cuối năm.

Hơn nữa, các ngân hàng còn đối mặt với sự kiểm tra gắt gao hơn, yêu cầu nâng chất lượng tín dụng, tuân thủ giới hạn cho vay, chỉ tiêu an toàn vốn… mà vẫn phải có mức lãi suất vay hấp dẫn, cạnh tranh, có biên lợi nhuận cao hơn.

Diễn biến của lãi suất lại phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong thời gian tới. Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay GDP đã tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, do đó nửa cuối năm GDP cần tăng tới 7,6% thì mới đạt mục tiêu GDP cả năm nay là 6,7%.

Trước đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã yêu cầu NHNN đẩy mạnh cung tiền cho nền kinh tế thông qua việc tăng mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối (mua ròng được khoảng 8 tỷ USD trong 6 tháng qua). Đồng thời hút tiền về thông qua việc phát hành tín phiếu trên thị trường mở (OMO) giúp nền kinh tế hấp thụ tốt nguồn vốn này, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Thực tế, NHNN mới chỉ hút được khoảng hơn 20.000 tỷ đồng trong tổng số hơn 170.000 tỷ đồng được dùng để mua ngoại tệ từ đầu năm. Sức hấp thụ vốn yếu ớt đã buộc các TCTD phải đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Nguồn vốn này sẽ chủ yếu “chảy” vào đầu tư công, dự án phúc lợi xã hội, thay vì đổ vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… dẫn tới đẩy lạm phát tăng lên, tác động tiêu cực tới hai biến số là tỷ giá và lãi suất. Nếu hai biến số này tăng lên thì NHNN lại phải tăng lãi suất để hút tiền về, đẩy mạnh phát hành tín phiếu NHNN nhằm giảm nguy cơ đầu cơ ngoại tệ từ các TCTD.