Điều gì khiến khối ngoại "đổ bộ" vào thị trường chứng khoán Việt Nam?

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Một nhà đầu tư nước ngoài nhận xét thị trường tài sản Việt Nam đang ở đáy của đáy và xác xuất có lời khi đầu tư dài hạn rất cao.

 Điều gì khiến khối ngoại "đổ bộ" vào thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Từ đầu năm đến nay các phương tiện truyền thông quốc tế lại bắt đầu đề cập đến chứng khoán Việt Nam. Phải nhấn mạnh cụm từ "lại bắt đầu" vì năm ngoái, năm kia họ cũng viết không ít bài về VN-Index, nhưng toàn với cái nhìn bi quan, còn nay thì khắc hẳn, tràn đầy lạc quan.

Họ bi quan hoặc lạc quan cũng phải, chẳng có thị trường nào suy thoái liên tục năm năm liền như Việt Nam. Mà cũng không có chỉ số chứng khoán nào trên thế giới tăng nhanh bằng VN-Index từ đầu năm đến nay.

Ông Marc Faber, chuyên gia tư vấn và là người xuất bản ấn phẩm "Gloom Boom & Doom Report" nhận định Việt Nam là một trong những thị trường đáng đầu tư nhất trong năm 2013. Hãng Bloomberg thì chạy một đồ thị màu cam rực rõ hết cả màn hình ti vi cho thấy trong hai tháng qua VN-Index đã chạy từ 375 điểm lên 460 điểm cùng với bình luận "thị trường tăng trưởng tốt nhất kể từ đầu năm 2013".

Wall Street Journal, tờ báo không thể thiếu của giới tài chính quốc tế, đặt một cái tít "Năm mới hạnh phúc cho chứng khoán Việt Nam" (For Vietnam stocks, a Happy New year). Các ký giả liệt kê ra chứng khoán Việt Nam là "ngôi sao ít ngờ tới ở châu Á" và phân tích các biện pháp giải quyết nợ xấu của Chính phủ, dẫn chứng giá trị đồng nội tệ ổn định, lạm phát giảm cùng với những kích thích kinh tế từ chính sách thuế.

Phụ họa cho báo chí là sự tăng trưởng ấn tượng của một số quỹ ETFs niêm yết ở nước ngoài chuyên đầu tư vào Việt Nam. Tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ FTSE Vietnam Index ETF do Deustche Bank quản lý đã tăng 36% từ 220 triệu lên 300 triệu USD trong vòng 5 tuần kể từ đầu tháng 12/2012. Giá chứng chỉ quỹ này hiện đang được giao dịch cao hơn NAV, chứng tỏ nhà đầu tư kỳ vọng NAV sẽ còn đi lên.

Trang mạng SeekingAlpha.com mô tả tài sản của quỹ Vietnam Market Vectors ETF tăng 24% trong một tháng qua nhờ các cổ phiếu ngân hàng - tài chính trong danh mục. Khoảng 45% tài sản của quỹ là đổ vào các cổ phiếu bluechips của sàn HoSe như BVH, VCB, CTG…Một số quỹ có vốn nhỏ hơn, tầm 100-150 triệu đôla Mỹ/quỹ cũng đã giải ngân mạng khi VN-Index rơi về đáy tháng 11 năm ngoái. JP vietnam Opportunities do JP Morgan Asset Management quản lý đã mua mạnh GAS, MSN, DPM, PVD…

Đối với thị trường chứng khoán phát triển, nơi biến động của cổ phiếu khá ổn định và không "giật cục" như các thị trường cận biện, mức phục hồi của Vn-Index vừa qua không thể nào bị nhà đầu tư nước ngoài bỏ qua. Đặc biệt thị trường đang được hỗ trợ bởi những phi vụ đầu tư lớn của khối ngoại vào những công ty chưa niêm yết hay các M&A.

Tập đoàn Mitsushi UFJ đã chi tới 743 triệu USD để giành quyền nắm giữ 20% cổ phần của ngân hàng Vietinbank. Đây là thương vụ mua bán cổ phần giá trị nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, lớn hơn cả mức tập đoàn Mizuho bỏ ra 547 triệu USD để sở hữu 15% cổ phần Vietcombank.

Gần nhất, quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts đã rót thêm 200 triệu USD vào công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan sau khi đã giải ngân 159 triệu USD vào doanh nghiệp này hồi tháng 4/2011.

Thị trường cũng chứng kiến một doanh nghiệp Thái Lan mua công ty Prime với giá gần 5.000 tỷ đồng hay một tập đoàn Indonexia mua công ty xi măng Thăng Long với giá khoảng 4.800 tỷ đồng.

Một nhà đầu tư nước ngoài nhận xét có lẽ thị trường tài sản Việt Nam đang ở đáy của đáy và xác xuất có lời khi đầu tư dài hạn rất cao. Còn tổng giám đốc một ngân hàng trong nước nói: "Hơn thập kỷ qua chưa bao giờ chúng ta khủng hoảng nhiều thứ cùng lúc như vậy,t ừ chứng khoán, bất động sản, doanh nghiệp…và tăng trưởng GDP thì thấp nhất kể từ năm 2.000. Cơ hội đầu tư tài sản trong khó khăn hiện nay sẽ ít lặp lại".

Trên sàn niêm yết, khối ngoại đã chứng minh mối quan tâm của họ bằng hành động cụ thể. Theo thống kê của Hose, trong hai tháng 11 và 12 năm 2012, nước ngoài mua ròng 2.783 tỷ đồng.

Trong 8 phiên đầu năm 2013m họ mua ròng tiếp 1.131 tỷ đồng, tổng cộng mua ròng 3.914 tỷ đồng, tương đương 187 triệu Usd. Tỷ trọng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài liên tục ở mức 15-25% giá trị giao dịch toàn thị trường/phiên. Có ngày như 10/1/2013 họ mua vào gần 600 tỷ đồng.

Nếu biết rằng trong tháng 11/2012 có ngày giao dịch của sàn HOSE chỉ trên dưới 200 tỷ đồng, của HNX có ngày chỉ 60-70 tỷ đồng, mới thấy sự đột biến của vốn ngoại mạnh mẽ đến mức nào.

Nhờ giao dịch của khối ngoại mà thị phần môi giới của hai công ty chứng khoán hàng đầu là SSI và HSC đã bứt phá ngoạn mục. Các quỹ ETF đã trở nên tinh vi hơn trong giao dịch. Họ liên tục thay đổi lịch trình giao dịch để tránh thông tin nội gián. Thông thường hôm nay họ đặt lệnh qua tài khoản ở SSI, thì ngày mai họ kích hoạt tài khoản ở HSC. Khối ngoại đang thực sự dẫn dắt thị trường.

Điều gì đã khiến khối ngoại "đổ bộ" vào chứng khoán Việt Nam? Một doanh nhân nước ngoài nhìn nhận: "Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng ở đâu cũng vậy, luôn tạo cơ hội. Chính phủ các quốc gia sẽ phải bơm tiền cách này hay cách khác. Tôi nghĩ Việt Nam có thể cũng như thế, cần một gói nới lỏng định lượng mà quy mô phù hợp với nền kinh tế".

Trong khi đó, như thừa nhận của tổng giám đốc một công ty chứng khoán nội địa, các tổ chức trong nước đang rất lúng túng trước biến chuyển của thị trường. Cuối tháng 12/2012, tự doanh không ít công ty chứng khoán đã bán ra với phỏng đoán thị trường sẽ điều chỉnh 1-2 tuần và họ sẽ mua lại. Tuy nhiên, thị trường lại bướng bỉnh đi theo con đường riêng của nó, VN-Index chỉ điều chỉnh trong phiên rồi lại leo dốc, làm một số tổ chức bắt đầu nóng ruột.

Sự phục hồi của chứng khoán lần này mang tính vĩ mô và cho dù nền kinh tế còn đầy rẫy khó khăn, sự rục rịch biến chuyển đã có, nói như ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc sàn Hà Nội, chỉ cần vĩ mô có dấu hiệu chuyển động là chứng khoán phục hồi.