Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô

Ts. Nguyễn Đắc Hưng

Về nguyên tắc, lãi suất là giá cả của đồng vốn trên thị trường, phản ánh sự chấp thuận của cả người bán và người mua vốn. Song thông thường, lãi suất lại chịu sự tác động trực tiếp hay gián tiếp của lãi suất chủ đạo do Ngân hàng Trung ương công bố tùy theo cơ chế công bố lãi suất điều hành trực tiếp hay điều hành gián tiếp trong từng thời kỳ, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Lãi suất phản ánh cung cầu vốn, đồng thời có quan hệ trực tiếp đến các diễn biến kinh tế vĩ mô và các công cụ khác trong điều hành chính sách tiền tệ, như: Lạm phát, tăng trưởng, việc làm, sức mua, thâm hụt cán cân thương mại, tỷ giá, dự trữ bắt buộc,...

Trên cơ sở xem xét nhiều yếu tố, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho nền kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng, gần đây nhất đó là  từ ngày 24/12/2012, một số loại lãi suất điều hành do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố đã được giảm thêm 1%/năm so với các mức lãi suất tương tự trước đó. Cụ thể: Trần lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng còn 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn còn 9%/năm và lãi suất tái chiết khấu còn 7%/năm; Lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ ưu tiên phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế còn 12%/năm,....Như vậy, riêng trần lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng đã giảm từ mức 14%/năm thời điềm đầu năm 2012 xuống còn 8%/năm.

Theo diễn biến nói trên, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng cũng giảm đáng kể. Hiện nay, một số doanh nghiệp trong một số lĩnh vực được một số ngân hàng thương mại cho vay dưới 12%/năm; các lĩnh vực khác ngoài 4 đối tượng ưu tiên nhìn chung cũng không quá 14%/năm, bình quân chỉ khoảng 13%/năm.

Việc giảm lãi suất nói trên cũng như lộ trình giảm lãi suất trong năm 2012 đã được thực hiện sát định hướng điều hành đặt ra ngay từ đầu năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng cần tiếp tục giảm thêm lãi suất, cũng như một số phân tích cho rằng còn dư địa hạ lãi suất. Thậm chí có chuyên gia cho rằng cần giảm lãi suất cho vay VNĐ xuống còn 10%/năm. Những ý kiến này trước hết là có một phần cơ sở. Bởi vì so với nhiều nước trong khu vực, lãi suất cho vay vốn nội tệ của Việt Nam còn khá cao.

Bên cạnh đó, hiện nay sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung còn nhiều khó khăn, việc giảm lãi suất cho vay tạo thêm cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người vay, góp phần giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp,...Song việc giảm lãi suất còn cần phải có lộ trình và như đã nói ở trên còn cần phải căn cứ vào diễn biến kinh tế vĩ mô và diễn biến của thị trường tiền tệ.

Về diễn biến kinh tế vĩ mô để xem xét điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi nội tệ cần căn cứ vào nhiều yếu tố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả năm 2012 là 6,81%. Như vậy, với mức giới hạn trần lãi suất tiền gửi nội tệ dưới 12 tháng còn 8%/năm về mặt số học thì vẫn đảm bảo lãi suất thực dương, người gửi tiền vẫn có lợi trên 1%/năm. Với định hướng của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước kiềm chế lạm phát năm 2013 dưới 6,8%. Trong khi đó, các tháng đầu năm, cũng như dịp trước và sau Tết Nguyên đán, tập trung là quý I hàng năm, CPI thường biến động cao hơn mức bình quân các tháng trong năm. Thực tế tháng 1/2013 CPI của cả nước đã tăng tới 1,25% so với tháng trước.

Hơn thế nữa, hiện nay thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện rõ rệt nhưng chưa phải đã bền vững, thường có biến động vào dịp trước Tết Nguyên đán do nhu cầu rút tiền thanh toán, chi tiêu của các đối tượng khách hàng, nên vẫn cần phải đẩy mạnh thu hút tiền gửi vào các tổ chức tín dụng. Do đó, dự báo về mặt lộ trình cũng như dự báo các diễn biến khác có liên quan, chưa thể giảm lãi suất ở thời điểm hiện nay. Sau đó, nếu như lãi suất có giảm thì các bước giảm nhỏ hơn, chỉ khoảng 0,25% - 0,75%/năm đối với trần lãi suất tiền gửi nội tệ.

Về lãi suất cho vay theo nguyên tắc cũng phải đảm bảo bù đắp chi phí cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và có tích lũy dù rằng mức tối thiểu. Nhìn số học đơn thuần bên ngoài, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động nội tệ là khoảng 4%, nhưng nếu tính toán đầy đủ phần để tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vốn khả dụng, an toàn khác trong thanh toán,....và tỷ lệ nợ xấu, lãi đọng không thu hồi được, thì chênh lệch rất thấp.

Để giảm chi phí hoạt động, hầu hết các tổ chức tín dụng tạm dừng không phát triển màng lưới, không khai trương thêm phòng giao dịch; tiết giảm chi phí điện nước thuê nhà và các chi phí khác; tạm dừng tổ chức các khóa đào tạo và khảo sát ở nước ngoài; cắt giảm số lượng nhân viên, giảm lương. Phần lớn các ngân hàng thương mại không chi thưởng và cắt giảm các chi phụ cấp khác cho cán bộ, nhân viên, cũng như Ban kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị.

Tuy nhiên nợ xấu vẫn là lực cản lớn nhất trong việc giảm chi phí hoạt động tín dụng- một cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Tính đến cuối năm 2012, các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 39.000 tỷ đồng nợ xấu từ nguồn dự phòng rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn còn ở mức cao. Chừng nào tình trạng hàng tồn kho của doanh nghiệp chưa có biến chuyển rõ rệt, các giải pháp tháo gỡ tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản chưa phát huy  hiệu quả, thì nợ xấu vẫn là ách tắc lớn nhất cho thị trường tín dụng nói chung và giảm lãi suất cho vay nói riêng.

Điều chỉnh lãi suất tiền gửi nội tệ còn có quan hệ mật thiết đến tỷ giá và tình trạng đô la hóa, cũng như ổn định giá vàng. Có thể khẳng định trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã thu được thành công lớn trong điều hành tỷ giá, tạo lòng tin của người dân cũng như thị trường vào VNĐ. Tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trong tổng tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể. Thành công đó có kết quả quan trọng của việc giữ khoảng cách chênh lệch đáng kể giữa lãi suất tiền gửi nội tệ và tiền gửi ngoại tệ. Vì vậy, cần tính đến yếu tố này trước khi có những bước điều chỉnh lãi suất tiền gửi nội tệ tiếp theo.

Kiềm chế CPI ở mức thấp và ổn định, giải phóng hàng tồn kho, khai thông thị trường bất động sản, phối hợp đồng bộ xử lý nợ xấu, tháo gỡ vướng mắc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay... đó là những nền tảng rất căn bản cho việc điều chỉnh giảm lãi suất nội tệ của hệ thống ngân hàng ở thời điểm phù hợp.