Doanh nghiệp ASEAN thảo luận bàn về FTA

Văn Trường

TCTC Online - Từ ngày 18/9 - 22/9, tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp và học giả đến từ 10 quốc gia ASEAN tham dự hội thảo khóa thứ 4 trong chuỗi các hội thảo đào tại khu vực và thảo luận về các phương pháp kỹ thuật đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương, với trọng tâm đặc biệt liên quan tới lĩnh vực thương mại dịch vụ và các phương cách mà ASEAN sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA).

“Chương trình Nâng cao Năng lực Đàm phán FTA cho ASEAN” dưới sự phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN, hội thảo tập trung vào lĩnh vực thương mại dịch vụ giữa ASEAN và EU, cũng như các vấn đề rộng lớn hơn liên quan đến các FTA song phương.

Hội thảo diễn ra vào đúng thời điểm EU và Việt Nam chuẩn bị đàm phán FTA. Tại khóa học, các khách mời sẽ được tham gia vào các ví dụ thực tế về đàm phán tập trung vào các phương pháp kỹ thuật và công cụ đàm phán thương mại.

Đây là khóa thứ tư trong chuỗi các hội thảo nghiên cứu và đào tạo diễn ra ở khắp các quốc gia ASEAN. Trước đó, các khóa đào tạo trong hội thảo đã đề cập đến một loạt các vấn đề thương mại bao gồm: “các vấn đề thương mại mới và đang nổi lên”, các chủ đề thương mại truyền thống như nông nghiệp, tiếp cận thị trường phi nông nghiệp, thương mại dịch vụ và các vấn đề liên nghành. Hội thảo, với trọng tâm về vai trò của thương mại dịch vụ trong kinh tế thế giới cũng như ở ASEAN và EU, sẽ được dẫn dắt bởi các chuyên gia và các học giả giàu kinh nghiệm.

Ông Bryan Fornari, Phó Ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn EU tại Việt Nam, nói: “Hội thảo khu vực các nước ASEAN do EU tài trợ là một cơ hội tuyệt vời để nâng cao năng lực cho các quan chức ASEAN về các kỹ năng đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương và thương mại dịch vụ. Hội thảo sẽ mang lại những lợi ích quan trọng cho các khách tham gia với việc trang bị kiến thức tốt hơn để làm thế nào thực hiện được các đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương với EU và làm thế nào để giải quyết các nội dung rộng lớn hơn được đưa ra trong các hiệp định tự do thương mại “thế hệ mới”.

Kế tiếp hội thảo đào tạo này, ngày 21/9 tới, Diễn đàn Đối thoại Công khai với tiêu đề “Hiệp định thương mại tự do với EU- Hướng tới tăng cường hội nhập thương mại EU - ASEAN: khai thác cơ hội và thách thức” được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Nâng cao Năng lực Đàm FTA cho ASEAN. Diễn đàn là một cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức dân sự và chính phủ thảo luận về hợp tác kinh tế ASEAN-EU và tập trung vào hội nhập thương mại và cải cách thể chế.

Chương trình Nâng cao Năng lực Đàm phán FTA cho ASEAN là chương trình hợp tác kỹ thuật với trị giá 2.5 triệu euro do EU tài trợ dành cho các quốc gia ASEAN. Chương trình nhằm hỗ trợ sự hội nhập kinh tế ASEAN và thúc đẩy sự chuẩn bị của các quốc gia ASEAN đối với việc đàm phán về FTA song phương. Chương trình giới thiệu các khóa đào tạo chất lượng cao, các nghiên cứu và phân tích có tính cạnh tranh cao, các ví dụ sinh động về đàm phán FTA song phương cho đại diện chính phủ và khối tư nhân trong các quốc gia ASEAN và các quan chức trong Ban Thư ký ASEAN. Chương trình giới thiệu một loạt các vấn đề rộng lớn về đầu tư và thương mại và giải quyết các vấn đề truyền thống và phi truyền thống cũng như các thách thức mới hơn trong thế kỷ 21. Ba khóa đầu tiên nằm trong chuỗi các hội thảo đã diễn ra vào nửa đầu năm 2012 tại Siem Reap, Jakarta and Kuala Lumpur. Sau hội thảo diễn ra tại Hà nội, hai khóa đào tạo tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức trong năm nay tại Thái Lan và Lào.

ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau Mỹ và Trung Quốc với giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ hơn 175 tỷ euro trong năm 2010 (theo dữ liệu của ASEANstats). EU là đối tác xuất khẩu của ASEAN với giá trị xuất khẩu trị giá hơn 90 tỷ euro trong năm 2011 và duy trì thặng dư thương mại hàng năm với ASEAN gần 25 tỷ euro.

Được biết, EU và ASEAN bắt đầu tiến hành đàm phán FTA khu vực vào năm 2007 với mục đích đóng góp vào quá trình hội nhập ASEAN. Mặc dù, đàm phán khu vực hiện đang tạm ngưng và quá trình đàm phán đang được tiến hành với từng quốc gia đơn lẻ.