Doanh nghiệp niêm yết hồi sinh

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Hoạt động sản xuất kinh doanh lâm vào tình trạng đình đốn, thậm chí bên bờ vực phá sản, nhưng nhiều doanh nghiệp bất ngờ hồi sinh. Đây là kết quả của những giải pháp quyết liệt, thậm chí mạnh dạn cắt bỏ những lĩnh vực kinh doanh rủi ro.

Doanh nghiệp niêm yết hồi sinh
Nhiều doanh nghiệp đã có lãi trở lại nhờ chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nguồn: internet

Chuyển đổi mô hình

Năm 2012, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF) bất ngờ công bố thua lỗ trên 152 tỷ đồng. Giải trình về việc thua lỗ, lãnh đạo LAF cho biết nguyên nhân chính là giá hạt điều giảm mạnh, đặc biệt các loại nhân cấp thấp, dầu vỏ điều và phụ phẩm. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng là mô hình kinh doanh của LAF tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Chẳng hạn, khi vào vụ thu hoạch hạt điều, các doanh nghiệp sẽ thu mua dự trữ nguyên liệu để sản xuất đến giáp vụ. Nguyên liệu dự trữ với giá vốn cố định, nếu sau đó giá nhân điều tăng sẽ có lãi, nhưng nếu giá giảm doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.

Cả LAF và TSC đều nằm trong diện cảnh báo của HOSE do lợi nhuận sau năm 2012 là số âm. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh đang ngày càng được cải thiện, nhiều khả năng 2 mã này sẽ được đưa ra khỏi diện theo dõi đặc biệt sau năm tài chính 2013.

Do dự báo sai về giá nên trong năm 2012 LAF đã chủ động thu mua thêm khi giá đã giảm 30%, nhưng kết quả giá nguyên liệu vẫn tiếp tục giảm khiến doanh nghiệp lỗ khoảng 12.000 đồng/kg.

Từ thực tế này, ngay từ đầu năm 2013, LAF đã chủ động đề ra các giải pháp khắc phục. Theo ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch HĐQT của LAF, giải pháp quan trọng nhất của doanh nghiệp là thay đổi mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng không dự trữ nguyên liệu điều thô để sản xuất giáp vụ năm sau.

Bên cạnh đó hàng loạt giải pháp như tái cơ cấu nguồn vốn cố định và lưu động; thoái vốn khỏi tất cả danh mục đầu tư tài chính dài hạn; xây dựng định mức tiêu hao nguyên liệu và công cụ sản xuất để tiết giảm chi phí; nghiên cứu, cập nhật trình độ công nghệ kỹ thuật chế biến điều nhằm tăng lợi thế cạnh tranh; duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO, GMP, HACCP.

Các giải pháp này đã nhanh chóng phát huy được hiệu quả trong những tháng đầu năm 2013. Báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2013 vừa được LAF công bố cho thấy lũy kế 9 tháng doanh nghiệp lãi 19,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ khủng 144 tỷ đồng 9 tháng năm 2012.

Đặc biệt, dư nợ vay ngân hàng của LAF đã giảm mạnh từ 136 tỷ đồng đầu năm còn 88 tỷ đồng cuối quý III trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm, giúp doanh nghiệp nhẹ gánh về nợ vay. Cụ thể, năm ngoái mỗi quý LAF phải gánh hàng chục tỷ đồng trả lãi vay nhưng năm nay chỉ còn chưa đầy 6 tỷ đồng.

Cắt bỏ điểm yếu

Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) cũng có hoàn cảnh tương tự với lợi nhuận năm 2012 âm gần 57 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ do hoạt động nhập khẩu và kinh doanh phân bón gặp quá nhiều rủi ro. Theo ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc TSC, để khắc phục tình trạng này, TSC đã lên phương án tái cơ cấu công ty bằng việc bán bớt một số tài sản được đầu tư xây dựng từ những năm trước để phục vụ kinh doanh phân bón.

Từ đó tạo thêm nguồn vốn kinh doanh, giảm áp lực vay, tạo thanh khoản về dòng tiền, tiết kiệm tối đa chi phí kinh doanh. Cùng với việc ngưng kinh doanh phân bón, TSC đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực doanh nghiệp có nhiều lợi thế như gia công thuốc bảo vệ thực vật hay thu mua và xuất khẩu gạo.

Việc cắt giảm hoạt động kinh doanh phân bón khiến doanh thu sụt giảm mạnh, nhưng bù lại TSC ghi nhận được những tín hiệu tích cực từ lợi nhuận. BCTC quý III/2013 được TSC công bố cho thấy doanh thu trong quý giảm 82% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận đạt hơn 1,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái TSC lỗ hơn 3,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2013, TSC lãi hơn 8,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 50 tỷ đồng. BCTC quý III của TSC cũng ghi nhận những con số hết sức tích cực, đặc biệt là chi phí tài chính. Cụ thể, tại thời điểm ngày 30/9, khoản mục vay và nợ ngắn hạn của TSC chỉ có 87 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 298 tỷ đồng.

Việc cắt giảm được khoản nợ vay phục vụ hoạt động kinh doanh phân bón đã giúp TSC giảm bớt gánh nặng về chi phí lãi vay. Theo thống kê, chi phí lãi vay phải trả của TSC 9 tháng năm 2013 chỉ có 7,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chi phí lãi vay lên đến xấp xỉ 65 tỷ đồng.