Doanh nghiệp nữ trang kỳ vọng những năm sau

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Kinh tế khó khăn, việc tiêu thụ nữ trang ngày càng giảm, trong khi đó cơ chế chính sách lại chưa hỗ trợ nhiều, nhưng các doanh nghiệp nữ trang vẫn đang tìm cách xoay xở để có thể tồn tại trong thời gian này và có cơ hội phát triển trong các năm tiếp theo.

  Doanh nghiệp nữ trang kỳ vọng những năm sau
Các doanh nghiệp nữ trang đang tìm cách xoay xở để có thể tồn tại trong thời gian này và có cơ hội phát triển trong các năm tiếp theo. Nguồn: internet

Khi trò chuyện với phóng viên, giám đốc một quỹ đầu tư tiết lộ đã mua thêm cổ phiếu của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong khi kết quả kinh doanh của công ty này trong quý III sụt giảm mạnh. Cụ thể là lợi nhuận sau thuế giảm đến 59% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giảm lợi nhuận do thu nhập từ đầu tư tài chính giảm 43% thì mức giảm còn lại chính từ hoạt động kinh doanh nữ trang.

Theo giải trình trong báo cáo tài chính của PNJ, một phần của lợi nhuận sụt giảm là do việc bán hàng ngày càng khó hơn nên công ty phải đẩy mạnh khuyến mãi giảm giá bán khiến biên lợi nhuận thu hẹp. PNJ cũng dự định sẽ xin ý kiến cổ đông giảm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty hợp nhất từ 241 tỉ đồng, xuống còn 205 tỉ đồng.

Theo vị giám đốc quỹ đầu tư nói trên, việc sụt giảm đó cũng phù hợp trong tình hình khó khăn chung, nhưng ông đánh giá cao sự nỗ lực của PNJ trong việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và đội ngũ thiết kế. Đồng thời, công ty cũng thuê tư vấn để tái cấu trúc hoạt động của công ty cho phù hợp với tình hình mới. Ông cho rằng trong các năm sau, khả năng phát triển của công ty này là có bởi sự đầu tư bài bản đó.

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc của PNJ, hiện nay ngành nữ trang vấp phải rất nhiều khó khăn. Ngoài chuyện tiêu thụ hàng hóa không dễ thì từ đầu vào cũng bị tác động bởi nguyên liệu không được nhập mà phải mua trong nước với giá cao, tiền đồng vay để sản xuất kinh doanh vàng trang sức vẫn chưa được phép. Đây là những rào cản lớn mà PNJ phải vượt qua trong thời gian tới.

Ở Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), việc phát triển ngành hàng nữ trang chỉ mới được chú trọng từ năm 2008 và thực sự đẩy mạnh hơn trong năm 2010, khi công ty mạnh về vàng miếng này biết được chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về siết bớt hoạt động kinh doanh vàng miếng. Tuy vậy việc chuyển đổi vẫn đang ở giai đoạn đầu và những khó khăn sắp tới là không ít, theo ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC.

Theo ông Chính, SJC đã xây dựng một nhà máy sản xuất nữ trang lớn ở khu chế xuất Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh để gia tăng năng lực sản xuất  và hiện tại đã sản xuất được đủ sản phẩm để bán tại 23 cửa hàng bán lẻ nữ trang cao cấp của công ty và bỏ sỉ cho 200 tiệm vàng, thay vì phải gia công thêm bên ngoài như trước. SJC cũng đầu tư để tuyển dụng thêm đội ngũ thiết kế và thợ lành nghề để chế tác được các mẫu nữ trang cao cấp.

Ông Chính cho biết hiện tại nữ trang vẫn chưa đóng góp được bao nhiêu trong tổng lợi nhuận sau thuế nhưng ông vẫn kỳ vọng trong các năm tới, khi thị trường thấy xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm nữ trang cả phân khúc trung bình và cao cấp của SJC thì việc tiêu thụ sẽ tốt hơn. Trước nay SJC vẫn được biết đến nhiều với sản phẩm vàng miếng.

Đồng thời SJC cũng sẽ cố gắng để xuất khẩu nữ trang, việc này mới được khởi động lại cách đây vài tháng, và SJC đã xuất khẩu được 4 đợt cho một đối tác nước ngoài. Ông Chính cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác khác để thúc đẩy việc này, nhằm mang lại lợi nhuận, bù đắp vào sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Hội chợ quốc tế trang sức Việt Nam lần thứ 22 được tổ chức từ ngày 7-11/11 năm nay có 130 doanh nghiệp tham gia, giảm 10 doanh nghiệp so với năm ngoái. Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết năm nay số doanh nghiệp nhỏ lẻ giảm bớt, thay vào đó là các doanh nghiệp nước ngoài. Ông Bảng cho rằng do khó khăn nên một số doanh nghiệp không muốn tham gia. Ông Bảng tỏ ra lo ngại cho doanh nghiệp trong nước vì nếu không khéo sẽ mất dần tính cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế về thuế, công nghệ, kinh nghiệm chế tác đều hơn hẳn Việt Nam.

Ông cho rằng đa phần các doanh nghiệp nữ trang đều kỳ vọng các năm sau sẽ bớt khó, và nhiều doanh nghiệp cũng chuẩn bị về cả máy móc lẫn con người. “Nhưng nếu các chính sách của nhà nước vẫn chưa tháo gỡ khó khăn cho ngành nữ trang, thì với doanh nghiệp đầu ngành như PNJ hay SJC còn gặp khó, nói gì đến doanh nghiệp nhỏ hơn”, ông Bảng nói. Ông này cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên sớm xem xét để hỗ trợ doanh nghiệp được nhập khẩu nguyên liệu sản xuất nữ trang và được vay tiền để kinh doanh nữ trang như các ngành hàng khác.

Hội chợ quốc tế trang sức Việt Nam được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP. Hồ Chí Minh, kéo dài từ ngày 7 đến 11 tháng 11. Hội chợ chia làm nhiều khu bao gồm giới thiệu máy móc thiết bị, bán nguyên liệu, trưng bày sản phẩm nữ trang, dịch vụ, bảo hành... Nhiều chương trình khuyến mãi từ các công ty nữ trang lớn như DOJI, PNJ, SJC cũng được thực hiện trong suốt các ngày diễn ra hội chợ.