Doanh nghiệp ồ ạt phát hành thêm cổ phiếu

Theo thoibaonganhang.vn

Mục tiêu thì rõ ràng, nhưng theo các chuyên gia, tính khả thi của việc tăng vốn lúc này thực chất sẽ khó đạt kết quả. Nguyên nhân do nhà đầu tư (NĐT) chưa đặt niềm tin vào thị trường cũng như kế hoạch lợi nhuận mà doanh nghiệp (DN) đặt ra. Cổ phiếu thưởng và cổ tức bằng cổ phiếu cũng chỉ có tác động tâm lý do tính thanh khoản của cổ phiếu chưa được cải thiện. Đó là chưa kể, việc phát hành thêm cổ phiếu chắc chắn sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu nên NĐT chưa mặn mà.

Doanh nghiệp ồ ạt phát hành thêm cổ phiếu
Công ty chứng khoán Maybay Kim Eng vừa đưa vào dịch vụ mới KE Mobile hỗ trợ giao dịch cho nhà đầu tư. Nguồn: internet
CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS) thông báo về việc niêm yết và giao dịch bổ sung cổ phiếu phát hành thêm. Theo đó, toàn bộ 10.499.821 cổ phiếu VNS sẽ chính thức được giao dịch bổ sung trên HoSE kể từ ngày 17/7. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết bổ sung theo mệnh giá gần 105 tỷ đồng. CTCP Hùng Vương (HVG) cũng đăng ký phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1.

Theo thông báo, HVG sẽ phát hành thêm 40,8 triệu cổ phiếu bao gồm cả thưởng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ESOP. Lý do HVG phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu từ gần 792 tỷ đồng lên khoảng 1192,8 tỷ đồng.

Phương thức phát hành là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền, cứ 2 quyền thì nhận được 1 cổ phiếu phát hành thêm. Ví dụ: NĐT A sở hữu 201 cổ phiếu thì số lượng cổ phiếu được nhận thêm là 201/2=100,5 cổ phiếu. Như vậy NĐT A sẽ nhận được 100 cổ phiếu.

Trong khi đó, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) được niêm yết bổ sung 12.972.000 cổ phiếu phát hành để trả cổ tức năm 2012 cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá tương ứng là 129,72 tỷ đồng. Qua đó, nâng khối lượng cổ phiếu niêm yết lên 90.804.000 cổ phiếu. Ngoài ra, trong tháng 7 này, Tập đoàn Tân Tạo (TIA) dự kiến phát hành khoảng 56,22 triệu cổ phiếu.

Trước đó, Tập đoàn Mai Linh (MLG) cũng thông báo về việc phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Mục đích là nhằm huy động khoảng 1.000 tỷ đồng để thanh toán khoản vay 800 tỷ đồng ngắn hạn và bổ sung 200 tỷ đồng cho vốn hoạt động…

Theo một số doanh nghiệp niêm yết (DNNY), việc tự tin phát hành thêm cổ phiếu trong thời điểm này vì họ nhận thấy nền kinh tế đã có chiều hướng tích cực, NĐT bắt đầu quan tâm đổ vốn nhiều hơn vào TTCK. Điều này được AC Nielson khẳng định khi làm khảo sát với 100 DN.

Cụ thể, khảo sát cho thấy nhiều công ty bắt đầu có kết quả kinh doanh tích cực so với mục tiêu; hơn 2/3 lãnh đạo DN kỳ vọng tăng trưởng 2 con số. Trong 43/100 lãnh đạo DN tham gia cuộc khảo sát đánh giá rằng, kết quả kinh doanh của DN từ đầu năm đến nay tốt hơn so với mục tiêu, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là 31.

Có thể thấy, ngoại trừ một vài DNNY phát hành thêm cổ phiếu vì một vài mục đích đặc biệt như Kinh Đô (KDC) phát hành thêm hơn 1 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu Vinabico với tỷ lệ 1:2,2 (tức 1 cổ phiếu KDC lấy 2,2 cổ phiếu Vinabico); Công ty CP Địa ốc Hoàng Quân (HQC) phát hành 18 triệu cổ phiếu bằng mệnh giá cho Địa ốc Hoàng Quân Mê Kông và Công ty Việt Kiến Trúc để cấn trừ nợ… Còn lại hơn 50 DNNY xin phát hành thêm cổ phiếu (tính từ tháng 6/2013 đến nay) đều có chung mục đích là tăng vốn.

Mục tiêu thì rõ ràng, nhưng theo các chuyên gia, tính khả thi của việc tăng vốn lúc này thực chất sẽ khó đạt kết quả. Nguyên nhân do NĐT chưa đặt niềm tin vào thị trường cũng như kế hoạch lợi nhuận mà DN đặt ra. Cổ phiếu thưởng và cổ tức bằng cổ phiếu cũng chỉ có tác động tâm lý do tính thanh khoản của cổ phiếu chưa được cải thiện, hiểu nôm na là giá giảm tương ứng với số cổ phiếu tăng thêm theo tỷ lệ thưởng. Đó là chưa kể, việc phát hành thêm cổ phiếu chắc chắn sẽ gây áp lực pha loãng cổ phiếu nên NĐT chưa mặn mà.

Trên thực tế, chuyện cổ phiếu phát hành thêm của DN bị “ế” không hiếm. Nói như lãnh đạo Tập đoàn Nam Kim (NKG), DN này không thể phát hành 30,1 triệu cổ phiếu như dự kiến. Do đó, sắp tới, NKG dự kiến sẽ chỉ phát hành 10 triệu cổ phiếu. Nếu phát hành hết, 100 tỷ đồng thu về NKG dự kiến sẽ chi một nửa cho đầu tư dây chuyền sản xuất, một nửa bổ sung vốn kinh doanh. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ là dự kiến của lãnh đạo NKG và chưa có gì để đảm bảo.

Vì vậy, theo một NĐT có kinh nghiệm, để phát hành thành công, các DN phải cho NĐT thấy giá trị cổ phiếu được đảm bảo. “Để tránh hiệu ứng pha loãng cổ phiểu thì lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của các DN này trong năm 2013 cũng sẽ phải tăng với tốc độ tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu phát hành. Nếu không đảm bảo được lợi ích của NĐT hay quyền lợi của đối tác chiến lược, việc phát hành cổ phiếu thực sự là một thách thức lớn đối với DNNY, đặc biệt trong thời điểm giá cổ phiếu giảm liên tục như hiện nay”, NĐT chia sẻ.