Doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) TP. Hồ Chí Minh, vấn đề quan trọng chính là gần đây nhiều kiến nghị của cộng đồng DN chưa được giải quyết triệt để, chính sách đưa ra chưa trúng trọng tâm, triển khai chậm, thiếu đồng bộ khiến DN dần mất lòng tin. Dự báo các DN sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với tình trạng khó khăn trong một thời gian nữa…

Doanh nghiệp vẫn đối mặt khó khăn
Mặc dù, vốn không còn là khó khăn lớn nhất của DN nhưng vẫn luôn là một trong những bài toán phải đặt ra. Nguồn: Internet

Ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cuộc khảo sát mới đây của Hiệp hội về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn cho thấy, khó khăn vẫn còn tồn tại. Mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn trong tháng 4/2013 vẫn tăng 7,3%, dù có giảm nhẹ so với tháng trước (10,1%).

Điều này cho thấy, bài toán hàng tồn kho vẫn chưa được giải quyết triệt để, tốc độ tăng tồn kho nhiều mặt hàng dù có chậm lại nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là trong bối cảnh người dân vẫn thắt chặt chi tiêu như hiện nay.

Theo UBND Thành phố, tính đến cuối tháng 4/2013, trên địa bàn Thành phố có trên 7.500 DN mới thành lập và cũng có không ít DN phải rời bỏ thị trường, ngưng hoạt động và giải thể… Bởi tại Cục Thuế Thành phố, cùng thời điểm có 931 DN khóa mã số thuế để giải thể, 5.012 DN gửi thông báo ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Minh, vấn đề quan trọng hơn không chỉ nằm ở những con số mà chính là gần đây nhiều kiến nghị của cộng đồng DN chưa được giải quyết triệt để, chính sách đưa ra chưa trúng trọng tâm, triển khai chậm, thiếu đồng bộ khiến DN dần mất lòng tin. Dự báo các DN sẽ vẫn phải tiếp tục đối mặt với tình trạng khó khăn trong một thời gian nữa …

Theo ông Vũ Việt Anh, Hiệp hội DN quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), hiện nay các DN đang phải đối đầu với nhiều vấn đề khó khăn, trong đó lớn nhất là vấn đề tồn kho do tổng cầu suy giảm, sức mua yếu. Các DN ở một số lĩnh vực như bất động sản, sắt, thép, xi măng, hàng tiêu dùng nội địa... đang phải chịu áp lực này nhiều nhất, song các ngành khác cũng không khá hơn là mấy.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành cho rằng, để giải quyết lượng hàng tồn kho, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đã dùng rất nhiều biện pháp khuyến mãi, giảm giá sản phẩm để thu hút khách hàng, nhưng sức mua vẫn rất yếu do thu nhập của người lao động còn thấp. Đối với thị trường bất động sản, giá nhà đất đã giảm mạnh, nhưng với giá hiện tại vẫn đang còn rất cao so với thu nhập của người lao động.

Lượng người thất nghiệp ngày càng tăng do các DN thu hẹp sản xuất… làm cho đời sống của người dân ngày càng khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua đối với nhiều mặt hàng. Điều này sẽ dẫn đến vòng luẩn quẩn, khó tháo gỡ.

Mặc dù, vốn không còn là khó khăn lớn nhất của DN nhưng vẫn luôn là một trong những bài toán phải đặt ra. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hạ lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng giảm, nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được nguồn vốn rẻ này do còn vướng nợ xấu, hàng tồn. Các DN đủ điều kiện để ngân hàng cho vay (còn tài sản thế chấp) thì không dám vay vì hàng hóa tiêu thụ chậm, không phát triển, không dám đầu tư.

Theo Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, những vấn đề khó khăn, tồn tại của các DN trên địa bàn sẽ được tổng hợp, đưa ra kiến nghị trình Ủy ban, trình Chính phủ để dần tháo gỡ, nhưng trước mắt các DN vẫn phải “vùng vẫy” để bám trụ trước khi những biện pháp giải cứu phát huy tác dụng.