Đổi tiền tỷ lấy rác bẩn, nhân viên bán đứng ngân hàng

Theo vef.vn

(Tài chính) Thảm cảnh ngân hàng tranh nhau hàng tồn kho trừ nợ hôm nay bắt đầu từ chính sự yếu kém, lòng tham và suy thoái đạo đức của cả nhân viên và lãnh đạo ngân hàng thời gian qua.

Đổi tiền tỷ lấy rác bẩn, nhân viên bán đứng ngân hàng
Nhiều ngân hàng đang phải trả giá vì chính sự yếu kém của mình. Nguồn: internet
Những bài học đau đớn

Với những sự cố trong việc lấy hàng tồn kho đảm bảo cho vay, các ngân hàng đã rút ra nhiều bài học đau đớn. Qua các sự việc cho thấy, rủi ro của việc nhận tài sản đảm bảo là hàng tồn kho đang tập trung chủ yếu vào vấn đề con người.

Về phía khách hàng, vấn đề đạo đức và phòng ngừa các hành vi lừa đảo luôn là cảnh báo không thừa. Trong quá khứ, không ít các trường hợp cố tình lừa đảo ngân hàng thông qua các hành vi gian lận, lập khống chứng từ, nhóm khách hàng thông đồng.

Phía ngân hàng là vấn đề thẩm định, quản lý khách hàng. Nếu cả hai phía cùng hợp tác, trung thực sẽ không bao giờ xuất hiện những bao cỏ rác lẫn trong các kho hàng như ở công ty Trường Ngân.

"Quan trọng là đội ngũ tín dụng phải thực sự mạnh mẽ, sát sao, cũng như lãnh đạo ngân hàng phải phản ứng kịp thời. Nếu chuyên viên chịu khó đi thăm kho khách hàng, phát hiện ra thiếu hàng, hoặc nghi ngờ phải cấp báo ngay cho lãnh đạo để xử lý. Bản thân lãnh đạo cũng phải phản ứng nhanh và đồng bộ thì mới tránh các hậu quả xấu", nữ giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại ở Sài Gòn cho biết.

Việc quá tin cậy khách hàng của ngân hàng đôi khi để lại hậu quả tiêu cực. Chẳng hạn, với công ty Trường Ngân, đây từng là một đại gia thực sự với kim ngạch xuất nhập khẩu hàng triệu đô la. Vì thế, doanh nghiệp (DN) này là khách hàng VIP của tất cả 7 ngân hàng với những ưu đãi lớn từ tín dụng, thanh toán quốc tế, mua bán ngoại hối...

Cái tên đình đám trước đó như Thủy sản Phương Nam, Inox Châu Âu cũng sẽ ở tình trạng tương tự. Để giữ khách, kéo khách, các ngân hàng đã sẵn sàng chấp nhận những điều kiện ngày càng dễ dãi, mà cái nghịch lý là ngân hàng đi sau sẽ đưa ra các điều kiện dễ dàng hơn ngân hàng đi trước để câu khách hàng.

Nói về Trường Ngân, một chuyên viên từ Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cho biết, hồ sơ vay của công ty này không đúng quy định của pháp luật, không có sổ sách theo quy định của pháp luật mà chỉ có chứng từ do thủ kho, bảo vệ kí...

Hay như Thủy sản Phương Nam thì các ngân hàng cũng rất vô tư nhận giấy tờ, để cho kế toán trưởng thoải mái lập sổ sách khống để qua mặt mà không phát hiện.

Lâu nay, các quy định của pháp luật tập trung mạnh vào các tỷ lệ an toàn, giới hạn tín dụng với một khách hàng, nhóm khách hàng của ngân hàng, nhưng chưa chi tiết đến từng cấp chi nhánh. Điều này sẽ dễ dẫn đến tình trạng một chi nhánh phụ thuộc quá lớn vào một khách hàng, hay nhóm khách hàng kéo theo sự lệ thuộc, quá tin tưởng vào khách hàng, thậm chí là vượt qua các quy định của chính ngân hàng... để chiều khách, lấy thành tích. Giờ, nhiều ngân hàng đang phải trả giá.

Quản được không?

Nguyên tắc cơ bản nhất của tín dụng là cho vay được và quản lý được. Tuy nhiên, với hàng tồn kho thì quản lý được hay không vẫn là một câu hỏi lớn. Theo quy định, các ngân hàng khi nhận tài sản thế chấp là hàng tồn kho phải đi kiểm đếm thực tế khi định giá ban đầu, sau đó phải kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế có lẽ không diễn ra như vậy.

"Khó lắm. Cái kho của thủy sản Phương Nam thế chấp cho một ngân hàng đảm bảo cho khoản vay trị giá hàng trăm tỷ thì chắc chắn định giá trị kho phải lớn hơn nhiều. Vào một kho hàng một trăm tỷ thì hàng hóa ngợp trời, liệu anh có kiểm đếm được hết không? Hay nhận thế chấp một kho hàng là gạo xuất khẩu lên tới hàng trăm tỷ của khách hàng thì anh có kiểm đếm nổi không? Hay chỉ đơn thuần là kiểm đếm chọn mẫu. Rồi khi kiểm tra định kỳ, anh có kiểm tra nổi không? Nếu có đi kiểm tra thì phải báo trước, mà đã báo trước thì khách hàng có nhiều cách để đối phó nếu không trung thực", chuyên gia về kiểm soát rủi ro tín dụng chia sẻ thực tế.

DN có ngàn phương đối phó. Những câu chuyện được giới ngân hàng truyền tai nhau như đi kiểm tra kho hàng trời mưa mà phát hiện ra dấu bánh xe còn mới nguyên vì khách hàng biết tin ngân hàng đi kiểm tra kho vội vã chở hàng mượn của một đơn vị khác về để ở kho sẽ không có gì lạ. Hay chuyện hàng hóa được "luân chuyển giữa các kho" nên thành ra kiểm kho nào cũng đủ, nhưng mà tổng giá trị thì chưa chắc đã đủ...

Khi nhìn vào danh mục hàng hóa mà khách hàng đang thế chấp ở các ngân hàng có thể thấy đa dạng vô cùng, từ các loại mặt hàng tiêu dùng, đồ uống nước giải khát, đến cả những kho hàng thuốc, biệt dược, thậm chí là nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu làm một số ngành khác... nên sẽ khó khăn trong chuyện quản lý là đương nhiên.

Phương án kiểm định, giám định độc lập sẽ được đưa ra, nhưng thường để cho đỡ tốn kém thì phương án này thường chỉ được làm khi định giá ban đầu chứ khi kiểm tra định kỳ tài sản ít được quan tâm.

Hiện tại, các ngân hàng còn đang nhận một dạng thế chấp kho hàng mà không khác gì tín chấp: hàng tồn kho luân chuyển. Có nghĩa là hàng tồn kho mà vẫn tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Với việc nhận hàng tồn kho luân chuyển, các ngân hàng thường chỉ ký hợp đồng thế chấp, trong đó khách hàng cam kết duy trì một lượng hàng tồn kho nhất định, còn hàng ngày thì khách hàng vẫn có quyền xuất nhập hàng bình thường. Việc quản lý với đối tượng này còn khó khăn hơn nhiều do khách hàng hoàn toàn chủ động, phía ngân hàng chỉ nắm bắt được số lượng thông qua các báo cáo và rủi to luôn đứng về phía ngân hàng.