Đón “sóng thần” thoái vốn trong quý IV

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Trong khi thị trường cổ phiếu đang diễn biến phập phù, các nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển một phần vốn sang thị trường phái sinh để tìm kiếm cơ hội mới nhưng lại quên mất rằng từ nay tới cuối năm còn tới 10 đợt bán đấu giá cổ phần nhà nước, thoái vốn.

Thoái vốn nhà nước là cơ hội để nhà đầu tư chuẩn bị nguồn hàng cho năm 2019. Nguồn: Internet
Thoái vốn nhà nước là cơ hội để nhà đầu tư chuẩn bị nguồn hàng cho năm 2019. Nguồn: Internet

Cuối năm 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) đã chứng kiến nhiều cuộc đấu giá cổ phần thành công như Vinamilk, Sabeco, POW, BSR, PV OIL… và chỉ số Vn- Index chinh phục mức đỉnh 10 năm.

Tuy nhiên, ngay sau khi TTCK có đợt điều chỉnh đầu tiên hồi tháng 4/2018, tâm lý chán nản khiến các nhà đầu tư ít quan tâm đến những đợt đấu giá cổ phần, thoái vốn nhà nước.

Khởi động với VCG

Nổi bật nhất trong sóng thoái vốn từ nay đến cuối năm là hơn 300 triệu cổ phần VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được hai cổ đông lớn nhất chào bán trọn lô vào ngày 22/11.

Cụ thể, Tập đoàn Công Nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ bán đấu giá trọn lô hơn 94 triệu cổ phiếu VCG, giá khởi điểm trọn lô cổ phần hơn 2.002 tỷ đồng, tương ứng 21.300 đồng/cp.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng sẽ chào bán công khai trọn lô gần 255 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 57,71% vốn. Giá khởi điểm cũng là 21.300 đồng/cp, tương ứng giá trị trọn lô 5.429 tỷ đồng.

Với việc đấu giá trọn lô và giá trị lớn, các nhà đầu tư cá nhân khó có thể tham gia, cơ hội thuộc về những nhà đầu tư tổ chức mong muốn được trở thành cổ đông chiến lược của Vinaconex.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cá nhân cũng không phải hết cơ hội đối với cổ phần của Vinaconex bởi trước thềm thoái vốn, Tổng công ty đã bất ngờ khóa room ngoại về 0%. Động thái này khiến khối ngoại chỉ được bán ra mà không được mua vào cổ phiếu VCG.

Trên thực tế, trong danh sách đăng ký tham gia đấu giá lô cổ phần của SCIC, ngoài ba nhà đầu tư tổ chức còn có một nhà đầu tư cá nhân. Diễn biến này khiến nhiều người liên tưởng đến phiên đấu giá "đình đám" của Sabeco hồi cuối năm 2017.

Hiện, cổ phiếu VCG đang giao dịch tại mức giá 18.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với giá đấu khởi điểm mà các đơn vị thoái vốn đưa ra. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân trên sàn hoàn toàn có thể kỳ vọng VCG sẽ tăng trong ngắn hạn nhằm đạt được mức giá mà các tổ chức thoái vốn đưa ra, là cơ hội cho dòng tiền lướt sóng.

Cũng trong ngày 22/11, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam – TKV (Vinacomin) cũng đưa gần 17,9 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà và Hạ tầng – TKV (Vinacominland) ra đấu giá với tổng giá trị 180 tỷ đồng, tương đương 10.800 đồng/cp.

Ngoài ra, Vinacomin cũng tổ chức bán đấu giá cổ phần tại CTCP Vận tải thủy – Vinacomin (ngày 22/11), hay Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) sẽ bán đấu giá 2,5 triệu cổ phần của CTCP Đồng Việt Thành (ngày 21/11), tổng giá trị đạt 100 tỷ đồng…

Ngày 29/11, Agribank sẽ thực hiện bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần của OCB do ngân hàng này sở hữu, với giá khởi điểm là 18.130 đồng/cp.

Hiện, giá giao dịch cổ phiếu OCB trên sàn OTC khoảng 16.073 đồng/cp (theo Vinacorp), thấp hơn mức giá chào bán của Agribank 11,3%.

Trong tháng 12, thị trường còn có đợt đấu giá hơn 2 triệu cổ phần của CTCP Giấy Việt Trì (mã: GVT) với giá khởi điểm 27.100 đồng/cp (cổ phiếu GVT hiện đang giao dịch trên UPCoM với mức 11.100 đồng/cp); Hơn 3,7 triệu cổ phần của CTCP Lilama 69-2 do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP sở hữu; Agribank thoái vốn tại CTCP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) với gần 5,3 triệu cổ phần, giá khởi điểm 17.100 đồng/cp, tương đương 230 tỷ đồng.

Đáng chú ý hơn cả là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bán đấu giá 13,44 triệu cổ phần VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, tương đương 22,03% vốn điều lệ VST.

Đợt đấu giá này dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, khi giá khởi điểm đưa ra là 1.200 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức giá đang được giao dịch trên UPCoM là 700 đồng/cp.

"Cái khó ló cái khôn"

Nhìn chung, trong những đợt đấu giá sắp diễn ra từ nay đến cuối năm 2018, ngoài lượng cổ phần "khủng" của Vinaconex thì lượng "hàng" tung ra đều khó hấp dẫn giới đầu tư.

Lý do khó thu hút là bởi TTCK đang trong giai đoạn diễn biến xấu, các nhà đầu tư một phần vì chán nản mà bỏ thị trường, một phần sẽ dịch chuyển nguồn vốn sang kênh đầu tư khác thay vì xem xét các đợt thoái vốn, đấu giá cổ phần.

Nếu quan sát kỹ hơn có thể thấy, hầu hết giá khởi điểm của các phiên đấu giá đều cao hơn so với giá thị trường do đây là mức giá được xác định trên cơ sở tiềm năng, tài sản của doanh nghiệp.

Đơn cử như trường hợp của Vinaconex, trước thềm thoái vốn, doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2018 với sự sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.

Thế nhưng cổ phần VCG vẫn đắt khách, các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng để có được lượng cổ phần nói trên là bởi với 3,2 triệu m2 đất đang sở hữu, Vinaconex trở thành "cô gái đẹp" trong mắt các đại gia bất động sản.

Hay như trường hợp của Vinacominland, hiện công ty đang quản lý và sử dụng quỹ đất được giao có thu tiền sử dụng đất tổng cộng gồm 597.280m2 trên địa bàn Tp Hạ Long, 118.375m2 trên địa bàn TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) và 1.450m2 đất tại Hà Nội.

Ngoài những mảng kinh doanh chính về du lịch, xuất nhập khẩu, Agritour cũng triển khai dự án xây khách sạn, căn hộ trung tâm thương mại Luxury Poseidon tại Vũng Tàu, đang tìm kiếm các đối tác có tiềm năng để thực hiện dự án vào cuối năm 2018.

Diễn biến phập phù của thị trường hiện tại có thể cản trở những quyết định của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia chứng khoán, đây cũng là dịp để các nhà đầu tư nhìn lại thị trường và chuẩn bị nguồn hàng cho năm 2019 sắp tới, với những cuộc chơi mới, diễn biến mới của thị trường.