Đồng bộ giải pháp cho thị trường ngoại tệ
Thị trường ngoại tệ tiếp tục duy trì trạng thái tốt cả về tỷ giá và dự trữ ngoại hối; lãi suất cho vay USD và các khoản vay ngoại tệ vẫn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, sẽ đồng bộ các giải pháp điều hành để bình ổn thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối năm 2018.
Hai tháng đầu năm, thị trường tiền tệ duy trì ở trạng thái tốt: Tỷ giá ổn định, lãi suất giữ ở mức thấp nhờ lạm phát được kiểm soát, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục xuất phát từ sự tăng trưởng ấn tượng của dòng vốn nước ngoài.
Báo cáo Tài chính tiền tệ tháng 2/2018 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, yếu tố nổi bật trong thời gian qua là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư gián tiếp, nổi lên từ cuối năm 2017 và tiếp tục có ảnh hưởng tích cực tới thị trường vào đầu năm 2018.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn DNNN không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách mà còn đem lại lượng ngoại tệ dồi dào. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh 45,1% so với năm trước, lên 6,2 tỷ USD trong năm 2017, tiếp tục tăng 102,5% so với cùng kỳ lên 1,25 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2018. Giải ngân FDI ổn định với mức tăng 9,7% so với tháng 2/2017, lên 1,7 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ lượng vốn đăng ký mới và tăng vốn tăng mạnh.
Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nhận định, dòng vốn ngoại gia tăng đã tạo ra lượng cung ngoại tệ lớn, cộng hưởng với chính sách lãi suất tiền gửi USD 0% và sự mất giá của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt đã giúp ổn định tỷ giá VND.
Bối cảnh ngoại tệ dư thừa và tỷ giá ổn định tiếp tục tạo điều kiện cho NHNN đẩy mạnh mua vào ngoại tệ tăng cường dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại hối gia tăng nhanh chóng từ mức 41 tỷ USD vào cuối năm 2016 lên 52 tỷ USD cuối năm 2017 và gần 60 tỷ USD chỉ trong 2 tháng đầu năm 2018. So với giá trị nhập khẩu tháng 1 là 20 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đã tương đương 3 tháng nhập khẩu, nhỉnh hơn mức khuyến nghị tối thiểu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tỷ giá năm nay dự báo sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi các yếu tố như: Cán cân thương mại có khả năng tiếp tục thặng dư, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2018 và triển vọng về nguồn vốn gián tiếp (FII) vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán là rất tích cực. Do đó, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tăng nhẹ ở mức 1,5 - 2% sẽ tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, để bảo đảm hạn chế USD hóa trong nền kinh tế, đủ nguồn vốn ngoại tệ phục vụ DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đặc biệt là giữ ổn định tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, năm 2018, NHNN tiếp tục thực hiện kiểm soát nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế USD hóa trong nền kinh tế.
Năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại tệ có thể chịu áp lực từ khả năng cán cân thương mại có thể chuyển sang thâm hụt; lãi suất USD thế giới tăng; đồng USD mặc dù được một số tổ chức quốc tế dự báo giảm giá nhưng tiềm ẩn rủi ro biến động phức tạp do chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen, tác động từ việc tăng lãi suất của Fed và lộ trình thu hẹp dần chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương như: ECB, Nhật...
“NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để điều hành tỷ giá phù hợp, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế” - bà Hồng nhấn mạnh.
Để hỗ trợ DN xuất khẩu, NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2017/TT-NHNN ngày 27/12/2017 tiếp tục gia hạn việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu đến hết ngày 31/12/2018.