Dòng chảy kiều hối...

Thái Hằng

(Tài chính) Bất chấp những khó khăn nội tại cũng như thách thức từ phía bên ngoài, vài năm trở lại đây, “dòng chảy kiều hối” ngày càng đổ mạnh về Việt Nam. Năm 2014, kiều hối đạt khoảng 12 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Phần lớn dòng kiều hối này đã chảy vào tiêu dùng và đầu tư sản xuất – kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiều hối chảy mạnh…

“Dòng chảy kiều hối” về Việt Nam được đánh giá là điểm sáng đặc biệt nhất trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Đây là nguồn vốn lớn thứ 2 “chảy về” Việt Nam, sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện và lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), kiều hối năm 2014 đạt khoảng 12 tỷ USD. Giai đoạn 1991-2013, lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm tăng trưởng trung bình 38,6% với tổng giá trị kiều hối là 80,3 tỷ USD. Hoa Kỳ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, trong giai đoạn 2010 - 2012 chiếm tới khoảng 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước; tiếp đến là Úc 9%, Canada 8,4%, Đức 6%, Campuchia 4% và Pháp 4%.

Trong tổng số người được khảo sát, có tới 34,5% người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu hàng ngày, gồm: Đầu tư vào sản xuất và kinh doanh 15,9%, tiết kiệm 11,7%, chữa bệnh 10,1%, mua sắm vật dụng lâu bền/xây dựng, sửa chữa nhà cửa 8,1%, giáo dục 7,5%, trả nợ 7,1%...

Lượng kiều hối lớn này không chỉ góp phần tạo nguồn ngoại tệ quan trọng cho hệ thống ngân hàng trong việc giảm áp lực, cân đối nguồn vốn cho vay ngoại tệ mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp vào các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai quốc gia, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

… vào nền kinh tế

Kiều hối không những có giá trị lớn về mặt phát triển kinh tế, còn có giá trị giúp cải thiện mức sống người dân. TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM cho biết: Trong tổng số người được khảo sát, có tới 34,5% người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu hàng ngày, gồm: Đầu tư vào sản xuất và kinh doanh 15,9%, tiết kiệm 11,7%, chữa bệnh 10,1%, mua sắm vật dụng lâu bền/xây dựng, sửa chữa nhà cửa 8,1%, giáo dục 7,5%, trả nợ 7,1%... Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ người sử dụng kiều hối vào mục đích chi tiêu lên tới 44-45% tổng tiền kiều hối trong 3-5 năm gần đây.

Bên cạnh đó, tỷ trọng người nhận kiều hối là để gửi ngân hàng lấy lãi là lớn nhất, chiếm hơn 30% tổng số người được khảo sát; sản xuất và dịch vụ là khoảng 27-30%; đầu tư và kinh doanh vàng 20% và thị trường bất động sản 16-17% trong 3-5 năm gần đây. Như vậy, “dòng chảy kiều hối” đã chảy nhiều hơn vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, tạo ra động lực mới, đưa nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng.


Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015