Dòng tiền có còn vào ngân hàng?

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Dòng vốn đầu tư nước ngoài lại đổ vào các ngân hàng Việt Nam trong thời gian gần đây, với những thương vụ mới lên đến hàng nghìn tỷ đổng.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài lại đổ vào các ngân hàng Việt Nam trong thời gian gần đây. Nguồn: internet
Dòng vốn đầu tư nước ngoài lại đổ vào các ngân hàng Việt Nam trong thời gian gần đây. Nguồn: internet

Phải chăng ngành ngân hàng Việt Nam đã hấp dẫn trở lại trong mắt doanh nghiệp FDI?

Những yếu tố thuận lợi trong những năm qua

Tăng trưởng huy động vốn của ngành ngân hàng năm 2015 đạt 16,1%, năm 2016 ở mức 19%, năm 2017 giảm, còn khoảng 15%. Các ngân hàng thuận lợi trong việc huy động vốn những năm qua là do lạm phát ổn định khiến kênh tiền gửi ngân hàng vẫn có sức hấp dẫn nhất định.

Mặt khác, nhờ chính sách trần lãi suất tiền gửi USD bằng 0%, các ngân hàng ngừng huy động vàng, hạn chế việc giữ hộ vàng, trong khi tỷ giá USD/VND cũng như giá vàng ổn định đã khiến một bộ phận dân cư chuyển tài sản dự trữ như vàng và USD sang tiền gửi VND. Tuy nhiên, điều này có thể khó tiếp tục trong giai đoạn tới.

Nhiều kênh đầu tư hấp dẫn

Đầu tiên là lạm phát đang có dấu hiệu trở lại, khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ mới 2 tháng đã tăng 1,24% so với đầu năm, so cùng kỳ tăng 3,15% trong khi lạm phát mục tiêu năm nay vẫn duy trì ở mức 4%.

Với lạm phát tăng cao trở lại dĩ nhiên khiến kênh tiền gửi ngân hàng giảm sức hấp dẫn do lãi suất thực giảm đáng kể. Với lãi suất kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng đang phổ biến quanh 7,2%, nếu lạm phát năm vượt mục tiêu 4% thì lãi suất thực sẽ về dưới 3%/năm, khá thấp trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư khác có suất sinh lời hấp dẫn.

Cụ thể như kênh đầu tư chứng khoán. Trong năm 2017, chỉ số VN-Index tăng hơn 48%, chỉ số HNX-Index tăng đến 46%. Trong đó, nếu chọn đúng cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đạt mức sinh lời lên đến 200 - 300%.

Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trong những tháng qua khi đã vượt đỉnh của 11 năm trước, dù có dấu hiệu điều chỉnh trong phiên gần đây nhưng triển vọng trung dài hạn vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, trước kỳ vọng được nâng hạng thị trường trong giai đoạn tới. Hiện tại dòng vốn ngân hàng đang có xu hướng dịch chuyển sang một trong những kênh đầu tư có tốc độ tăng trưởng tích cực nhất trong giai đoạn vừa qua là chứng khoán.

Với thị trường bất động sản, những cơn sốt đất nền gần đây tại các đô thị lớn cũng như tại các vùng được lựa chọn xây dựng đặc khu kinh tế đã hút một dòng tiền rất lớn. Một số ngân hàng gần đây chịu áp lực rút tiền gửi khá lớn do khách hàng có xu hướng đầu tư vào bất động sản trước triển vọng tăng giá của một trong những kênh đầu tư phổ biến này, với những chu kỳ nóng sốt từng diễn ra trong quá khứ.

Trong khi đó, dòng vốn USD và vàng chuyển dịch sang VND trong 2 năm qua có dấu hiệu bão hòa. Đáng lưu ý là với triển vọng thị trường vàng đang có dấu hiệu tăng trở lại và có thể sẽ "nổi sóng" trước rủi ro chiến tranh thương mại đang ngày càng hiện hữu có thể kích thích kênh đầu tư vàng quay trở lại. Lộ trình tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được đẩy nhanh hơn cũng có thể hỗ trợ đồng bạc xanh tăng giá, do đó không loại trừ khả năng nhà đầu tư có thể có xu hướng đảo chiều dòng vốn sang ngoại tệ.

Các vụ mất tiền gửi của khách hàng có xu hướng tăng cho thấy hệ thống quản trị rủi ro của một số ngân hàng đang có vấn đề, làm sụt giảm niềm tin của khách hàng và tạo ra tâm lý không an toàn khi gửi tiền vào ngân hàng.

Đặc biệt là dòng kiều hối năm nay có thể sụt giảm trước chính sách hạn chế nhập cư của Chính phủ Mỹ, theo dự báo của một số tổ chức quốc tế.

Từ trước đến nay, dòng kiều hối chuyển về nước thường được chuyển sang VND và gửi ngân hàng lấy lãi, do đó nếu luồng vốn này sụt giảm tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lượng tiền gửi của các ngân hàng.

E ngại mất tiền

Đáng lưu ý là các vụ mất tiền gửi của khách hàng có xu hướng tăng cho thấy hệ thống quản trị rủi ro của một số ngân hàng đang có vấn đề, làm sụt giảm niềm tin của khách hàng và tạo ra tâm lý không an toàn khi gửi tiền vào ngân hàng.

Những phiên tòa xét xử các vụ án ngân hàng gần đây cũng cho thấy sự bất cập của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn trước đây, cũng như khả năng giám sát các ngân hàng này có vấn đề. Ngân hàng sẽ được phá sản theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/1//2018 cũng khiến một bộ phận khách hàng nghi ngại đối với kênh tiền gửi ngân hàng.

Như vậy, hiện tại ngành ngân hàng đang đối mặt với khá nhiều yếu tố bất lợi trong huy động vốn. Tuy nhiên, với việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước diễn ra trong năm nay có thể cải thiện nguồn thu ngân sách, trong khi đầu tư công vẫn diễn ra chậm thì lượng tiền có xu hướng duy trì dồi dào tại các tổ chức tín dụng, do đó có thể bù đắp được phần nào lượng tiền gửi tiết kiệm từ dân cư đang có xu hướng tăng chậm trở lại.