Dòng tiền luân chuyển đều đặn vào thị trường chứng khoán

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào đầu năm 2014 vẫn duy trì đà tăng điểm khi chỉ số VN-Index tiếp tục đứng vững ở mốc 500-505 điểm. Dòng tiền tiếp tục được luân chuyển đều đặn vào thị trường.

Dòng tiền luân chuyển đều đặn vào thị trường chứng khoán
Dòng tiền tiếp tục được luân chuyển đều đặn vào TTCK. Nguồn: internet

Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đánh dấu phiên mua ròng thứ 10 liên tiếp, với 9,53 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị 256 tỷ đồng. Các mã được mua vào nhiều nhất là CII, VSH, VCB…

Hút nhà đầu tư ngoại

Theo thống kê, trong suốt cả năm 2013, khối ngoại đã bỏ vào TTCK Việt Nam số tiền lên tới 7.667 tỷ đồng (365 triệu USD). Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân gần 6.330 tỷ trên sàn HSX và 1.337 tỷ đồng trên sàn HNX, nâng tổng số lượng cổ phiếu được mua ròng lên tới hơn 220 triệu đơn vị.

Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp mã số cho 728 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 291 nhà đầu tư là tổ chức và 437 mã chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân. Đáng chú ý là năm 2013 số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã tăng 10%.

Xu thế ổn định sẽ vẫn tiếp diễn trong các phiên giao dịch sắp tới khi chứng khoán trở thành kênh đầu tư được quan tâm nhiều nhất.

Những số liệu trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức, định chế tài chính. Đặc biệt là trong bối cảnh mô hình quỹ đóng đang rất hạn chế trong việc gọi vốn thì sự ra đời của các quỹ mở, nhất là việc xuất hiện các quỹ đầu tư theo chỉ số ETF hoạt động rất mạnh trong vài năm trở lại đây sẽ hứa hẹn gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Đồng thời, các cơ quan quản lý, đặc biệt là Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đã đề ra một số trọng tâm chính trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách cho TTCK nhằm khơi thông dòng vốn nước ngoài. Cụ thể là đề xuất về việc cho phép doanh nghiệp phát hành dưới mệnh giá nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn phù hợp với điều kiện tại Luật doanh nghiệp.

Các quyết định về sửa đổi về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đang được tiến hành cũng với hoàn thiện các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Đề án và Nghị định về TTCK phái sinh; đề án hợp nhất sở giao dịch chứng khoán cũng đã được đề cập tới để đáp ứng phù hợp với các tiêu chuẩn trong khu vực và quốc tế.

Kênh đầu tư được quan tâm nhất

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua 38.900 tỷ đồng nợ gốc, tương đương 32.400 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt (TPĐB), từ 35/36 tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC. Như vậy, sau 3 tháng thực hiện việc mua nợ xấu, VAMC đã hoàn thành mục tiêu đề ra đến cuối năm mua từ 30.000 – 35.000 tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB.

Trong khi đó, gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở đã không mang lại hiệu quả như mong muốn khi mới chỉ có chưa đầy 2% tổng số tiền đã được giải ngân. Lý do là các điều kiện để tiếp cận gói tín dụng này là khá chặt chẽ khiến nhiều đối tượng có nhu cầu vay không đáp ứng được yêu cầu mà ngân hàng đặt ra.

Trong số các nước trong khu vực thì TTCK Việt Nam nằm trong nhóm đầu về thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Lý do là tỷ giá giữa VND/ USD giữ ở mức ổn định trong khi các đồng nội tệ của Malaysia, Indonesia đã mất giá khá mạnh khiến các chỉ số chứng khoán ở các quốc gia này lao dốc, tạo nên làn sóng rút vốn. Chỉ số VN-Index cũng nằm trong tốp đầu về mức độ tăng trưởng so với đầu năm (hơn 20%) đã cho thấy nền kinh tế VN đã dần qua giai đoạn khủng hoảng và đang trên đà hồi phục.

Do đó, xu thế ổn định sẽ vẫn tiếp diễn trong các phiên giao dịch sắp tới khi chứng khoán trở thành kênh đầu tư được quan tâm nhiều nhất: khả năng quay vòng vốn nhanh, tỷ suất sinh lời hấp dẫn so với các kênh khác như: gửi tiết kiệm, mua vàng hoặc đầu tư bất động sản.