“Dòng tiền sẽ rót vào các mã có thị giá nhỏ”

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc môi giới, công ty chứng khoán (CTCK) MHBS cho rằng, trong ngắn hạn, dòng tiền thực của nhà đầu tư lẫn dòng tiền "kích cầu", margin từ CTCK sẽ tiếp tục rót vào các mã penny.

Phóng viên: Quan sát thị trường trong thời gian này, có thể thấy, dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng sang nhiều mã midcap và penny. Ông dự báo ra sao về dòng tiền trong thời gian tới?

Ông Hoàng Thạch Lân: “Dòng tiền sẽ rót vào các mã có thị giá nhỏ”

Ông Hoàng Thạch Lân,
Giám đốc môi giới, CTCK MHBS

Ông Hoàng Thạch Lân: Trong quan sát của tôi, trong tháng 7 vừa qua, dòng tiền trên sàn HOSE phân bổ chủ yếu vào nhóm cổ phiếu largecap, với nhóm cổ phiếu midcap và smallcap khá cân bằng. Còn trên sàn HNX, dòng tiền lại tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu midcap và smallcap.

Có 2 lý do giải thích cho sự khác biệt này.

Thứ nhất là quy mô vốn hóa của các công ty niêm yết trên 2 sàn khác nhau. Do chưa có ai trên thị trường chứng khoán (TTCK) đưa ra tiêu chí để được chấp nhận rộng rãi khi phân loại các cổ phiếu theo quy mô vốn hóa, nên tôi tạm lấy VN30 làm tham chiếu cho nhóm largecap: giá trị vốn hóa nhỏ nhất cũng trên 2.000 tỷ đồng.

Tương tự, nhóm trung có giá trị vốn hóa của các mã trong sub-index này cũng chừng 500 tỷ đồng trở lên..., có thể thấy, số mã largecap và midcap trên HOSE áp đảo hơn hẳn HNX. Cũng phải nói thêm rằng, một số công ty trên HNX đáng ra phải xếp vào nhóm largecap, nhưng do thị giá thấp, nên khi thống kê theo giá trị vốn hóa thì chỉ xếp vào nhóm midcap, thậm chí có công ty “rớt” về smallcap.

Thứ hai là về thị giá của cổ phiếu. Hai sàn đều có số cổ phiếu có thị giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu chiếm đa số, nhưng trên HNX (chưa tính UPCoM) thì số cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu là rất nhiều, kể cả nhiều mã trong HNX Largecap.

Cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy, cổ phiếu có giá càng thấp càng kích thích đầu cơ và điều đó đang khiến sàn HNX hấp dẫn đối với nhà đầu tư (NĐT) nội địa, nhỏ lẻ.

Trong ngắn hạn, tôi không nghĩ sẽ có thay đổi nào đáng kể nếu cứ nhìn theo quy mô vốn hóa. Dòng tiền thực của NĐT lẫn dòng tiền "kích cầu" - margin từ công ty chứng khoán, sẽ tiếp tục rót vào các mã có thị giá nhỏ trên HNX. Còn trên HOSE, các mã lớn vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền, bởi thực tế, đa số các công ty lớn vẫn đang làm ăn tốt, lợi nhuận cao, được khối ngoại ưa thích.

Trên thế giới, quỹ đầu tư chỉ số (quỹ ETF) rất phổ biến và phát triển nhanh cả về số lượng và tài sản. VFMVN30 là quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc đợt IPO vào ngày 20/8 và dự kiến trong tháng 9 sẽ chính thức niêm yết. Điều này, theo ông, sẽ tác động đến thị trường như thế nào?

Tôi cho rằng, sự ra đời của quỹ ETF nội chưa có tác động gì nhiều trong giai đoạn đầu. Không phải tôi không ủng hộ ETF nội, ngược lại là khác. Tuy Công ty Quản lý quỹ Việt Nam cũng rất tích cực trong khâu truyền thông, quảng bá và được nhiều CTCK lớn hỗ trợ phía sau, nhưng tôi nghĩ, việc huy động vốn trên thị trường sơ cấp chắc không lớn đến mức tác động lên thị giá các mã trong VN30.

Cụ thể hơn, theo tôi biết thì VFMVN30 sẽ phải mua đủ 30 mã trong VN30, theo đúng tỷ trọng của các mã tương ứng trong chỉ số, như thế số tiền bỏ ra mua từng mã chắc không đủ lớn để kích cầu.

Tuy nhiên, điều mà tôi quan tâm là VFMVN30 có tham gia thị trường đúng thời điểm hay không? Nếu trong thời gian tới, VN-Index, VN30-Index tăng điểm  thì NAV của ETF cũng sẽ tăng, điều đó chắc chắn sẽ tác động tích cực trong các quỹ đầu tư (chứ không riêng ETF đầu tiên này) cũng như cả các NĐT.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết sẽ đưa ra các giải pháp tháo gỡ về chính sách cũng như thủ tục kê khai và nộp thuế. Điều này sẽ tác động ra sao đến TTCK, theo ông?

Giảm thuế là điều nên làm trong tình hình hiện nay, khi mà lợi nhuận của đa số doanh nghiệp đang suy giảm và dòng tiền tái đầu tư rất thấp.

Tuy nhiên, theo tôi, những giải pháp nói trên chỉ nhằm tháo gỡ những ách tắc nhất định, liên quan đến một số doanh nghiệp nhất định. Do đó, tôi cũng chưa rõ nó sẽ tác động như thế nào đến TTCK, vì phải chờ xem những biện pháp cụ thể.