Dự báo về cổ phiếu ngân hàng năm 2017

PV.

Một số chuyên viên phân tích, việc cổ phiếu NH tăng nóng do có thông tin về vấn đề nâng room nước ngoài cho nhóm này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư (NĐT) nhận thấy việc điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR) gần đây của các NH không tỷ lệ thuận với việc nới room của nhóm ngành này...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giảm nhanh, tăng nhanh là diễn biến của VN-Index trong 2 ngày nay. VN-Index giảm điểm rồi tăng trở lại, đến ngày 18/1 lại rơi vào đà giảm hơn 1 điểm, xoay quanh mốc 683 điểm. HNX-Index cũng giảm điểm và tiếp cận mốc 83 điểm. Trong đó, VIC, VCB, BVH, MBB, MSN, CTG, KDC, VNM, FPT… giảm điểm tương đối mạnh, tạo tâm lý khá tiêu cực. 

Theo giới phân tích, mốc kháng cự tâm lý 690 điểm đang trở thành rào cản lớn của thị trường đến lúc này khi giới đầu tư vẫn duy trì sự thận trọng cao độ trước khả năng VN-Index có thể phá vỡ mức đỉnh này.

Về phần cổ phiếu, SAB vẫn tăng mạnh trước thông tin công ty thành viên – CTCP Bia Sài Gòn Bạc Liêu (SBL) sẽ niêm yết trên UPCoM ngày 23/1/2017. Hiện tại, SBL là công ty liên doanh liên kết thuộc SAB (SAB sở hữu 20%). So sánh với các công ty của SAB có kế hoạch niêm yết trong thời gian gần đây, SBL được đánh giá cao nhờ hoạt động kinh doanh vượt trội so với các công ty bia còn lại khi có biên gộp cao, cùng với việc kiểm soát ổn định các chi phí.

Trong khi đó, nhóm NH ngày hôm qua không còn giữ được đà tăng trong khi trước đó, nhóm cổ phiếu này thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường rất tích cực. Theo lý giải của một chuyên viên phân tích, việc cổ phiếu NH tăng nóng do có thông tin về vấn đề nâng room nước ngoài cho nhóm này. Tuy nhiên, các NĐT nhận thấy việc điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR)  gần đây của các NH không tỷ lệ thuận với việc nới room của nhóm ngành này.

Quả vậy, theo ghi nhận của chuyên viên phân tích VDSC, không nên vội đánh giá việc điều chỉnh CAR xuống 8% theo Thông tư số 41/2016 từ mức 9% theo Thông tư số 36 trước đó của NHNN sẽ giảm áp lực tăng vốn đối với NH.

Còn nhớ, sau giai đoạn 1 (2012 – 2015) tái cấu trúc, tỷ lệ nợ xấu đã giảm về dưới 3% theo kế hoạch của NHNN. Tuy vậy, nợ xấu thực chất (bao gồm nợ xấu bán VAMC) chưa thật sự giảm. Thiếu sót và vướng mắc pháp lý để hình thành thị trường mua bán nợ cũng như xử lý tài sản đảm bảo bắt đầu được nhìn nhận thẳng thắn trong các phiên họp Quốc hội đầu năm 2017.

Câu chuyện về áp lực tăng vốn đáp ứng quy chuẩn của Basel II cũng gây nhiều quan ngại. Bởi lẽ, mặc dù CAR của các NH (tham gia thí điểm) đang cao hơn mức tối thiểu theo quy định của Thông tư 36, nhưng vẫn chưa đủ đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 8% nếu áp dụng các tiêu chí của Basel II. Trong khi đó, bài toán tăng vốn là không hề dễ dàng, buộc các NH có thể phải đánh đổi giữa tăng trưởng lợi nhuận, tỷ suất sinh lời với việc gia tăng vốn, hay cổ đông có thể phải tạm chấp nhận việc không được nhận cổ tức tiền mặt trong một vài năm.

Ngoài ra, trong bối cảnh nợ xấu thực chất vẫn ở mức cao thì việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài cũng gặp nhiều trở ngại, đặc biệt ở nhóm NHTMCP Nhà nước khi mà các điều kiện phát hành (như là giá) cần có sự chấp thuận của NHNN.

Thời gian cần thiết để đưa chất lượng quản trị rủi ro của NH Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực thế giới có thể bị kéo dài hơn các kế hoạch ban đầu của cơ quan chủ quản, làm giới hạn khả năng huy động vốn từ quốc tế với chi phí thấp của NH Việt Nam, cũng như khiến mục tiêu đưa mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam về mức 5% của Chính phủ do vậy gặp thách thức lớn hơn.

Trong khi đó, nhóm NH niêm yết với tổng thị phần tín dụng chiếm hơn 47% được hưởng lợi đáng kể khi hoạt động tín dụng của nền kinh tế khởi sắc trong năm 2015 - 2016.

Thu nhập lãi thuần và tổng thu nhập hoạt động duy trì mức tăng trưởng 2 chữ số trong 2 năm liên tiếp, góp phần bù đắp chi phí hoạt động cũng như chi phí DPRR tín dụng vốn cũng đang tăng trưởng nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng công nghệ, mạng lưới và nhân lực và chi phí DPRR cho TPĐB, dự báo ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016 – 2019, đặc biệt khi mà tỷ lệ thu hồi nợ của VAMC vẫn khá thấp.

Một điểm đáng lưu ý nữa là sự tăng trưởng/phục hồi không đồng đều giữa các NH. Thay vào đó là sự phân hóa, trong đó các NH đã hoàn thành cơ bản đề án tái cấu trúc sẽ có lợi nhuận tăng trưởng bền vững; ngược lại, những NH mới bắt tay thực hiện tái cơ cấu sẽ cần thêm thời gian để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trước khi tính đến bài toán tăng trưởng. Các quy định về an toàn vốn và thanh khoản, theo Thông tư 36, Thông tư 06 sửa đổi hay quy chuẩn của Hiệp ước Basel II, có thể khiến NIM và tỷ suất sinh lời phân hóa...

Nhìn chung đến năm 2016, định giá tương đối cổ phiếu NH đã giảm về mức thấp nhất kể từ khi được niêm yết. Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư cần dựa trên những thay đổi nội tại cũng như triển vọng dài hạn của các NH. Trong đó, MBB đang có mức định giá hấp dẫn nhất trong nhóm niêm yết.

Tuy vậy, VCB và ACB tiếp tục là hai đại diện của nhóm NHTMCP Nhà nước và NHTMCP trên sàn niêm yết được nhiều NĐT ưa thích hơn. Ngoài ra, làn sóng niêm yết các NHTMCP với các tên tuổi nổi bật như VIB, Techcombank, và VPBank, dự kiến thực hiện trong năm 2017, kỳ vọng sẽ tăng thêm lựa chọn cho NĐT.