Dư địa giảm điểm khi nào kết thúc?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Chỉ số Vn-Index đã trải qua chuỗi giảm điểm 6 phiên liên tiếp với hơn 43 điểm bị “cuốn bay” về mốc dưới 920 điểm trước khi năm 2018 kết thúc, nhiều kịch bản không tích cực về thị trường đã xuất hiện.

Thị trường chứng khoán năm 2019 sẽ tiếp tục dao động trong biên độ lớn. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán năm 2019 sẽ tiếp tục dao động trong biên độ lớn. Nguồn: internet

Nguyên nhân chính khiến thị trường yếu đi nhanh chóng là tác động từ thị trường thế giới cũng như một vài diễn biến xấu ở nhóm trụ cột. Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12, chỉ số Vn-Index đóng cửa tại mức 918,24 điểm; Hnx-Index cũng giảm về mốc 877,03 điểm.

Các chuyên gia thống nhất quan điểm mục tiêu 1.000 điểm đối với Vn- Index đã không còn chắc chắn như trước nếu như không có thay đổi rõ nét hơn về dòng tiền.

Mốc 900 “chờ đợi”

Theo CTCK VnDirect, áp lực bán ra ở các cổ phiếu bluechip khá lớn cho thấy tâm lý của các tổ chức, nhà đầu tư lớn đã trở nên thận trọng trong khi bên mua cũng hạ giá mua để tìm biên an toàn so với rủi ro ngắn hạn của thị trường.

Bị bán mạnh nhất vừa qua phải kể đến CTG của VietinBank với thanh khoản trung bình đạt 7,2 triệu đơn vị trong 6 phiên vừa qua, đồng nghĩa với việc giá cổ phiếu đã giảm 16,3% về mức 20.200 đồng/cp.

HPG của Hòa Phát cũng là một bluechip bị bán mạnh trong những phiên giao dịch vừa qua với trung bình khoảng 6 triệu đơn vị mỗi phiên. Hiện HPG đang giao dịch tại mức giá 29.950 đồng/ cp, mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.

Dù đón nhận những thông tin tiêu cực nhưng không thể phủ nhận HPG là một trong những cổ phiếu được yêu thích nhất thị trường, đối với các quỹ ngoại tại Việt Nam, HPG luôn nằm trong Top những khoản đầu tư lớn nhất.

Trong khi đó, trạng thái cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VIC, SAB, VRE, BVH cũng chỉ tạm ổn khi dao động trong biên độ hẹp với thanh khoản vừa phải và cũng có xu hướng chuyển sang trạng thái tiêu cực.

VnDirect cho rằng chỉ số Vn-Index một lần nữa có thể quay về vùng 895- 910 điểm, phản ứng hồi phục của thị trường được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại vùng hỗ trợ này.

Chung quan điểm thận trọng, CTCK SHS cho biết Vn-Index đã giảm gần các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, trong kịch bản tiêu cực Vn-Index có thể giảm tiếp về 900 điểm và 865 điểm là hoàn toàn có thể.

Thực tế, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đồng pha với xu hướng toàn cầu trước những thông tin tiêu cực từ thế giới như giá dầu liên tiếp “dò đáy, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25%.

Thị trường chứng khoán Mỹ “lao dốc, lẽ đương nhiên các thị trường khác cũng “mất phanh”.

Ngoài ra, câu chuyện một CTCK dự báo tình trạng kinh doanh kém tích cực của “ông lớn” ngành ngân hàng VietinBank, hay câu chuyện “lao lý” của cựu lãnh đạo ngành dầu khí cũng là yếu tố khiến chứng khoán Việt giảm điểm.

Theo nhận định của CTCK VPBank (VPBS), nhìn chung thị trường vẫn biến động trong trạng thái giảm với nhiều yếu tố không thuận lợi cả trong nước và thế giới trong tuần giao dịch 17-21/12.

Dù vậy, diễn biến giảm của thị trường trong nước hiện tại vẫn mang nhiều đặc điểm chi phối bởi tâm lý bi quan ngắn hạn trong khi mức giảm liên tục nhiều phiên đang đưa thị trường về gần vùng quá bán.

Mới đây, tại Hội thảo Tổng quan thị trường Tài chính Việt Nam năm 2018, Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng của diễn biến chiến tranh thương mại và tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm.

Dù được nhận định là sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ thế giới nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường mới nổi có khả năng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài do kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán.

Sóng sẽ lại nổi

Bức tranh của nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là sức khỏe của doanh nghiệp quy mô lớn đang niêm yết hoàn toàn đi ngược lại với xu thế của thị trường chứng khoán.

Ngoài những câu chuyện riêng đến từ một vài doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam không có yếu tố nào quá xấu, một vài yếu tố vĩ mô có thể diễn biến không thuận lợi cho doanh nghiệp như tỷ giá, lãi suất nhưng ở mức có thể kiểm soát.

Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia dự báo năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nếu được hỗ trợ tốt bởi các yếu tố quốc tế như: Hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Về lạm phát, năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hoá thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ.

Theo đó, đối với thị trường chứng khoán chỉ có tâm lý là xấu và khi các yếu tố áp lực lên tâm lý nhà đầu tư qua đi, sóng sẽ lại nổi trên thị trường.

Theo ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt, sự ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất lên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ mang tính thời điểm bởi thông tin này không có gì mới và đã phần nào nằm trong dự báo của giới đầu tư.

Theo nhận định của CTCK FPT (FPTS), xu hướng quyết định cho xu hướng tiếp theo có lẽ sẽ rõ ràng hơn sau các giao dịch của ETFs lộ diện vào phiên 20/12, nhà đầu tư nên tránh hành động vội vàng theo cảm tính.

Nhà đầu tư nên tạm dừng các hoạt động mua bán trong giai đoạn này và đứng ngoài thị trường để quan sát thêm do đây là thời điểm nhạy cảm và diễn biến khó lường, hành động ưu tiên vẫn là đưa tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn hơn.