Dư nợ tín dụng: Chờ thì tương lai

ThS. TRẦN THỊ LƯU TÂM

(Tài chính) Tuy bỏ ngỏ vấn đề “đạt” hay “không đạt” mục tiêu tăng trưởng tín dụng, song tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, “tổng tư lệnh ngành” Ngân hàng vẫn khẳng định, dự kiến đến cuối năm 2014 tín dụng có thể đạt khoảng 10% và dự báo năm 2015, dư nợ tín dụng tăng ở mức 12-14% so với cuối năm 2014.

Dư nợ tín dụng:  Chờ thì tương lai
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

4 năm liền trì trệ

Nếu mức tăng trưởng tín dụng năm 2014 chỉ đạt khoảng 10% theo như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình khẳng định, thì đây là năm thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2011, tăng trưởng tín dụng luôn duy trì ở mức thấp. Điều này, thể hiện dấu hiệu của sự trì trệ trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là năm thứ 4 vị tư lệnh Ngành ngồi vào “ghế nóng”. Nếu như trong các năm 2011 và 2012 với mức tăng trưởng tín dụng lần lượt là 12% và 8,91% được xem như là “thành tựu” của chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đạt mục tiêu lạm phát từ 18,13% (năm 2011) xuống còn 6,81% (năm 2012); đưa tỷ lệ tín dụng của nền kinh tế trên GDP từ mức 135% (năm 2010) xuống dưới mức 100% vào cuối năm 2012, thì nay mức tăng tín dụng thấp của hai năm 2013 (12,52%) và năm 2014 (dự kiến là 10%) là sự “thất bại” của giải pháp khơi thông dòng vốn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Như vậy, điệp khúc “doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận vốn” vẫn còn tiếp diễn. Bởi với tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế hiện tại đã ở mức tương đối an toàn, thấp hơn mức 97% vào cuối năm 2013.

Theo một khảo sát của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tại một số địa phương nhằm tìm ra những khó khăn mà các DN gặp phải, hầu hết các khó khăn mà DN gặp phải đều tập trung vào lĩnh vực tiền tệ. “50% DN cho biết, họ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay với mức lãi suất từ 10-12%/năm”, Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận định. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Giới chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, có ba nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng tín dụng trì trệ. Đó là, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn cao so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nợ xấu cao và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu. Hầu hết các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đều có mức lãi suất cho vay khoảng 5%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay trung bình của Việt Nam hiện vẫn ở mức 7-8%/năm đối với lĩnh vực ưu tiên; 9-10%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường trong ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường trong dài hạn.

Bên cạnh đó, dù con số nợ xấu tuy đã được cải thiện song vẫn là một trong những điểm nghẽn đối với nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 7/2014, theo báo cáo của các TCTD, tổng số dư các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN là 313,83 nghìn tỷ đồng, giảm 49,07 nghìn tỷ đồng so với tháng 12/2013. Nếu không thực hiện cơ cấu lại nợ, thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD trên tổng dư nợ tín dụng là 8,09% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với cuối tháng 12/2013). Tỷ lệ nợ xấu cao buộc các TCTD cũng phải thận trọng khi cho vay nhằm hạn chế phát sinh thêm nợ xấu.

Lời “hứa” cho tương lai

Trên cơ sở đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, người đứng đầu NHNN “hứa” trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2015 sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp tín dụng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Theo đó, NHNN dự báo một số chỉ tiêu tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2015, gồm: Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12-14% so với cuối năm 2014 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp; Lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn hệ thống…

Để hoàn thành những chỉ tiêu trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời gian tới NHNN sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ hai, triển khai các giải pháp tín dụng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng vốn cho nền kinh tế; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động. Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực để hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ công tác an sinh-xã hội.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, vàng và ổn định tỷ giá theo hướng chống đô la và vàng hóa trong nền kinh tế; theo dõi, điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định giá trị đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây rối, đầu cơ, hạn chế sử dụng ngoại tệ trong nước nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao về quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD; phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm và rủi ro gây mất ổn định để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD. Hoàn thiện hệ thống các quy định an toàn hoạt động ngân hàng như các tỷ lệ an toàn, quy định về quản trị, điều hành của TCTD, quy định về công khai, minh bạch...

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 10-2014