Dự thảo NHNN tham gia mua bán vàng miếng: Cân nhắc phản ứng phụ

Theo Báo Đầu tư

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tham gia mua bán vàng miếng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Dự thảo NHNN tham gia mua bán vàng miếng: Cân nhắc phản ứng phụ
Ảnh minh họa. Nguồn:internet

Theo Dự thảo, NHNN được quyền mua, bán vàng miếng với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Các giao dịch này có thể triển khai thông qua hình thức mua bán trực tiếp hoặc đấu thầu; giá mua, bán vàng do Thống đốc NHNN quyết định.

Thực tế cho thấy, chính sách quản lý thị trường vàng, nhất là việc siết lại mạng lưới mua bán vàng và quy định cấm huy động và cho vay vàng của NHNN đã mang lại kết quả khá rõ rệt sau hơn 2 tuần áp dụng. Tình trạng vàng giả, vàng nhái, đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường vàng dần được kiểm soát. Việc NHNN chính thức tham gia mua bán vàng miếng được kỳ vọng là một giải pháp tiếp theo nhằm hạn chế chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, chủ trương này cũng đang đặt ra không ít điều đáng băn khoăn, lo ngại.

Trước hết, cần phải định nghĩa lại vàng là hàng hóa hay tiền tệ.

Nếu là tiền tệ thì NHNN có quyền can thiệp về giá. Ngược lại, nếu là hàng hóa thì nên để thị trường tự ấn định giá, bởi một khi xem vàng là hàng hóa thì việc NHNN ấn định giá mua, bán sẽ khiến giá vàng không phản ánh đúng quy luật thị trường. Thứ hai, việc NHNN tham gia mua, bán vàng có phù hợp với chức năng của một ngân hàng trung ương hay không. Đây cũng là vấn đề đang được các chuyên gia kinh tế tranh luận.

Nhìn ra các nước trong khu vực có thể thấy, Ấn Độ và Trung Quốc - hai thị trường có thói quen tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới - từng đưa ra rất nhiều biện pháp hành chính để quản lý chặt hoạt động kinh doanh vàng, nhưng không thành công. Những năm gần đây, hai quốc gia này đã thay đổi cách thức quản lý thị trường vàng theo hướng tự do hóa thị trường và đã thành công.

Một vấn đề nữa đặt ra là, nếu NHNN dùng tiền dự trữ quốc gia để mua, bán vàng, khi bị thua lỗ thì ai là người chịu trách nhiệm? Tỷ giá sẽ biến động thế nào nếu NHNN nhập khẩu vàng để bình ổn? Ngoài ra, dư luận cũng đang rất quan tâm tới việc huy động vàng trong dân. Theo tính toán của NHNN, lượng vàng nằm trong dân hiện khoảng 300 tấn, nhưng nhiều tổ chức kinh tế cho rằng, con số này có thể lên tới 400-500 tấn. Với lượng vàng không nhỏ đang nằm trong dân, nếu không quản lý chặt, sẽ có nguy cơ gây sức ép lớn lên thị trường tiền tệ, tỷ giá một khi giá vàng thế giới biến động mạnh. Ngược lại, nếu huy động được vàng trong dân, thì Nhà nước có thêm nguồn vốn đáng kể thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời làm giảm sức ép lên chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất.

Việc tìm kiếm các giải pháp nhằm kiểm soát có hiệu quả thị trường vàng và xích dần giá vàng trong nước với thế giới là rất cần thiết. Tuy nhiên, để các giải pháp đó mang lại kết quả mong muốn và không làm nẩy sinh những phản ứng phụ bất lợi, cũng rất cần cân nhắc, lý giải những điều dư luận quan tâm trước khi một quyết sách quan trọng được ban hành.