Dư thừa tiền, do hết chỗ đầu tư?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp không muốn vay, hoặc khó vay lại đã trở thành điệp khúc của nền kinh tế đang phát triển. Tưởng là nghịch lý, vô lý, nhưng việc dư thừa tiền gửi mà không biết tiêu, đầu tư vào đâu để sinh lợi nhuận là một thực tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hiện ở mức rất thấp trong lịch sử. Đáng chú ý, diễn biến lãi suất tín phiếu phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức thấp quanh 0,5%/năm cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn lớn.

Vì nghẽn đầu ra, nên nhiều ngân hàng thà bỏ tiền vào trái phiếu chính phủ hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng để đảm bảo an toàn vốn. Đó chính là lý do khiến nguồn tiền từ ngân hàng ồ ạt đổ vào trái phiếu chính phủ, giúp Kho bạc Nhà nước huy động thành công hơn 166.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, hoàn thành 76% kế hoạch của năm.

Liệu có khủng hoảng thừa?

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường OMO tiếp tục trầm lắng tuần thứ 17 liên tiếp khi không có hoạt động bơm/hút ròng nào qua kênh này. BVSC cho rằng trạng thái dư thừa của hệ thống xuất phát từ hai nguyên nhân chính:

Thứ nhất, do cung tiền đồng lớn vì Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì hoạt động mua dự trữ ngoại hối_trong những tuần qua, nhờ các điều kiện thuận lợi về nguồn cung ngoại tệ từ thị trường lớn và tỷ giá diễn biến ổn định.

Thứ hai, tỷ lệ huy động có phần tăng mạnh hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, khiến sức hấp thụ lượng thanh khoản dư thừa không bắt kịp tốc độ tăng cung tiền đồng từ hệ thống.

“Chúng tôi dự báo trạng thái dư thừa thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn duy trì và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn trong vài tuần tới. Hiện tượng dư thừa có thể sẽ giảm bớt vào cuối năm khi tăng trưởng tín dụng bước vào giai đoạn cao điểm và nhu cầu mua tăng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng có thể chững lại”, báo cáo của BVSC nhận định.

Có một thực tế là dù thừa tiền, các tổ chức tín dụng vẫn cạnh tranh về lãi suất huy động. Lãnh đạo một số ngân hàng lý giải, lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) thấp, thanh khoản dồi dào, nhưng lãi suất huy động chưa giảm được bởi các tổ chức tín dụng giảm thị phần, dư thanh khoản chỉ là tạm thời. Nhu cầu về vốn từ hệ thống, kể cả vốn trung và dài hạn, đã khiến các tổ chức tín dụng vẫn phải cạnh tranh nguồn vốn huy động.

Từ đầu tháng 9, một số ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài, mức tăng 0,1 – 0,2%. Hiện lãi suất huy động cao nhất là 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, thuộc về Viet Capital Bank và 8%/năm ở ngân hàng NCB. Ở các ngân hàng lớn, lãi suất huy động kỳ hạn dài dao động 7 – 7,5%/năm.

Thừa tiền, vẫn khó cho vay!

Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là thực hiện đồng bộ các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho nền kinh tế. Kết quả là lãi suất huy động chỉ biến động tăng ở những tháng đầu năm với mức tăng khoảng 0,2 – 0,3%, nhưng từ tháng 5 tới nay, lãi suất đã biến động theo hướng tăng lên nhưng nhìn chung vẫn ổn định.

Lãi suất cho vay được một số ngân hàng giảm khoảng 0,5% cho các khoản vay ngắn hạn. Các chương trình lãi suất ưu đãi cũng được triển khai tích cực, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên kỳ hạn dài hiện chỉ còn tối đa 10%…

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của việc ngân hàng thừa tiền mà doanh nghiệp vẫn không vay được vốn là sự phục hồi của doanh nghiệp chưa đạt 100%. Một số doanh nghiệp sản xuất còn nhiều hàng tồn kho, nợ xấu còn nhiều, nên chưa thể vay thêm. Đây có lẽ là rào cản mà doanh nghiệp không thể vượt qua khi ngân hàng không đồng hành cùng doanh nghiệp để vay nguồn vốn mới.

Một lãnh đạo ngân hàng nhận định: Giới đầu cơ, người dân và nhiều doanh nghiệp đã đem hết tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng chứ không dốc vốn vào các thị trường như bất động sản, chứng khoán hay đầu tư cho sản xuất.

Ngân hàng biết dư thừa tiền, chưa biết tiêu vào đâu nhưng khách hàng gửi thì vẫn phải nhận chứ không thể từ chối và phải è lưng ra trả lãi. Chính điều này khiến ngân hàng trở thành nơi cất giữ và “ứ” thừa tiền mặt”.

Một số ngân hàng khác buộc phải làm ăn chắc chắn, khi thấy nhiều đồng nghiệp dính vào nợ xấu, cùng “chết chùm” với doanh nghiệp. Họ chấp nhận dư thừa vốn, không cứu doanh nghiệp ngắc ngoải, chọn giải pháp từ chối, đứng ngoài chứ không muốn tiếp nhận rủi ro hay tăng nợ xấu.

Ở khía cạnh khác, khi hệ thống dư thừa tiền, rất nhiều ý kiến đề nghị giảm lãi suất cho vay xuống còn 5%, bằng đúng với kỳ vọng lạm phát. Điều này được cho không khả thi và không phù hợp với thực tiễn.

“Về cơ bản, lãi suất không tự nó quyết định, mà do quan hệ cung cầu, mặt bằng lạm phát. Khi lạm phát năm đó 10%, sao chúng ta dám cho vay 5%, như vậy sẽ bị lỗ. Nó đi ngược kinh tế thị trường” – ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: Ngân hàng nên đưa vào những nguồn lực mới, như vốn ưu đãi, vốn liên kết với các tổ chức tài chính quốc tế… để doanh nghiệp có thể hưởng được một mức lãi suất tốt nhất, tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước.