Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 60 tỷ USD

PV.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam sắp cán mốc 60 tỷ USD, đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Điều này đã củng cố thêm vị thế, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài.

Với 57,5 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Tính đến 10/2/2018 dự trữ ngoại hối đã tăng cao gấp 6,4 lần so với năm 2005. Năm 2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đứng thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á; đứng thứ 19 ở châu Á và đứng thứ 48 trên thế giới.

Trong giai đoạn 2005 - 2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng bình quân 12,1%/năm. Từ năm 2016 đến nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục tăng cao. Năm 2016 tăng 38,1%, năm 2017 tăng 28,2%, 40 ngày đầu năm 2018 tăng 15%.

Dự trữ ngoại hối tăng đã tác động đến nhiều mặt kinh tế vĩ mô, rõ nhất là bảo đảm an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia. Đặc biệt, điều này đã giúp cho thanh khoản, theo đó, lãi suất được giữ ổn định, lãi suất trong năm qua đã giảm 0,5-1%, cộng đồng doanh nghiệp không còn phàn nàn nhiềuvề lãi suất cho vay. Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng với mức lãi suất phù hợp. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã hoạt động trên thị trường ngoại tệ thông suốt.

Dự trữ ngoại hối đạt được mức tăng kỷ lục xuất phát từ nhiều nguồn. Theo ước tính, thặng dư cán cân thanh toán năm 2017 đạt 5,5 tỷ USD; Cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư nhờ xuất siêu hàng hóa đạt 2,92 tỷ USD; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 17,5 tỷ USD; Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài ước đạt gần 6 tỷ USD; Lượng vốn ODA giải ngân ước đạt trên 2 tỷ USD; Chi tiêu của khách quốc tế cán mốc 8,99 tỷ USD. Lượng kiều hối đã tăng trở lại, vượt mốc 10 tỷ USD…