Dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục mới

Theo Hồng Hạnh/thoibaonganhang.vn

Tại Hội nghị tổng kết ngành năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức chiều 9/1, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, dự trữ ngoại hối NHNN tiếp tục lên đến mức cao kỷ lục 53 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, năm 2017, trên cơ sở định hướng và chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, NHNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tranh thủ ý kiến khuyến nghị của các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, của cộng đồng doanh nghiệp,… để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng chủ động, linh hoạt và đồng bộ, tạo thuận lợi cho các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa cùng phát huy tác dụng, đảm bảo thực hiện thành công mục các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, hoạt động tiền tệ, ngân hàng đã đạt được những kết quả quan trọng.
Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,41%. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1%/năm. Tín dụng tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an toàn chất lượng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng được điều hành ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, hỗ trợ tốt cho xuất khẩu.
Đáng chú ý, người đứng đầu NHNN cũng cho biết, dự trữ ngoại hối nhà nước đã lên trên 53 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.
Quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn 2 được ngành Ngân hàng tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Trong đó, việc NHNN sớm trình Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 (Quyết định số 1058) và Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã tạo nền tảng và động lực quan trọng đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.
Theo Thống đốc, những kết quả đạt được của ngành ngân hàng đã góp phần trực tiếp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,53%, hỗ trợ tăng trưởng ở mức cao 6,81%, tạo dư địa lớn cho chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá rất tích cực đối với kết quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, như: Ngân hàng Thế giới đã nâng chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam lên 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN; Moody’s đã nâng triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; Bloomberg đánh giá VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất Châu Á...