Đua tăng lãi suất tiền gửi

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Cuộc đua huy động tiền gửi càng sát Tết Nguyên đán càng gay cấn. Hiện nay, nhiều ngân hàng không chỉ quảng cáo rầm rộ các chương trình khuyến mãi, mà còn “đánh” luôn cả vào lãi suất.

Việc tăng lãi suất nhằm thu hút nguồn tiền gửi thời điểm này không chỉ nhằm đảm bảo nhu cầu tiền mặt tăng đột biến dịp Tết, mà còn chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh và tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2018. Nguồn: Internet
Việc tăng lãi suất nhằm thu hút nguồn tiền gửi thời điểm này không chỉ nhằm đảm bảo nhu cầu tiền mặt tăng đột biến dịp Tết, mà còn chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh và tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2018. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc tăng lãi suất nhằm thu hút nguồn tiền gửi thời điểm này không chỉ nhằm đảm bảo nhu cầu tiền mặt tăng đột biến dịp Tết, mà còn chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh và tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2018.

Dấu hiệu “phản ứng dây chuyền”

Trong những ngày vừa qua, mặt bằng lãi suất huy động đang có sự điều chỉnh tăng nhẹ ở một số ngân hàng. Đáng nói, động thái này đang có dấu hiệu “phản ứng dây chuyền”. 

Sau động thái tăng thêm lãi suất huy động 0,5%/năm của một số “ông lớn” như BIDV, Vietcombank… hồi đầu tháng 1, nhiều ngân hàng TMCP hiện cũng đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới với xu hướng điều chỉnh tăng. 

VPBank vừa phát đi thông báo về việc nâng lãi suất tiền gửi 6 tháng lên 7,7%/năm, không phân biệt gửi online hay tại quầy giao dịch từ ngày 29 – 31/1. Mức lãi suất này tăng 0,6 điểm phần trăm so với hiện tại (7,1%/năm). Cùng với đó, VPBank tặng thêm 100.000 đồng cho 100 khách đến giao dịch gửi tiền đầu tiên mỗi ngày, với tổng số tiền tặng là 1,5 tỷ đồng.

Tại NCB, khách hàng gửi tiền trong thời gian từ ngày 24 – 31/1 sẽ được ưu đãi lãi suất, tặng tối đa 0,15% trên lãi suất tiền gửi. Còn MaritimeBank tăng 0,25% lãi suất huy động áp dụng từ ngày 10/1 với các kỳ hạn 6 – 11 tháng lên mức 6,7%. Trong khi đó, DongABank và VIB áp biểu lãi suất huy động tăng 0,1% cho các kỳ hạn từ 6 – 12 tháng.

Cụ thể, DongABank tăng kỳ hạn 6 – 8 tháng lên 7%, 9 – 12 tháng lên 7,2%, các kỳ hạn dài hơn ở mức 7,4 – 7,6%.Còn VIB áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng lên mức 7,9%.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất đầu vào tùy thuộc vào nhu cầu vốn của từng ngân hàng. Tuy nhiên, thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều mong muốn “củng cố” thanh khoản do nhu cầu sử dụng tiền mặt của các doanh nghiệp và người dân tăng mạnh, khiến thanh khoản của ngân hàng “eo hẹp”.

Điều này còn được thể hiện trong Báo cáo kinh tế tài chính tuần 3 tháng 1/2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC). Theo đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng từ cuối năm 2017. 

Tính đến ngày 12/1/2018, lãi suất O/N ở mức 2,9%, lãi suất 1 tuần là 2,9%, và lãi suất 1 tháng là 4,2%, tăng từ 0,7 – 0,9 điểm phần trăm so với tuần trước và tăng từ 1,2 – 1,4 điểm phần trăm so với ngày đầu năm. 

NHNN đã tăng cường hút tiền về qua kênh tín phiếu sau khi mua một lượng lớn ngoại tệ gắn liền với hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. 

Dự trữ ngoại hối tính đến ngày 12/1/2018 đạt 54,5 tỷ USD, tăng 3 tỷ USD so với cuối năm 2017. Hoạt động hút tiền về trong thời điểm nhu cầu thanh toán, chi trả VND đang tăng cao cận Tết Nguyên đán cũng là nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng tăng cao.

Quan trọng vẫn là chất lượng, dịch vụ

Theo một số chuyên gia, lãi suất tiền gửi tăng không còn mang tính cục bộ nữa, mà đó là sự điều chỉnh của thị trường nhằm cân đối về thanh khoản và chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2018.

Một số ý kiến khác thì cho rằng ngoài nhu cầu vốn tăng cao dịp Tết, các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động còn nhằm cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 của NHNN về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2017. 

Dưới áp lực của quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các ngân hàng lớn.

Trong báo cáo mới đây, công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt phân tích: Ngay cả với các ngân hàng thuộc nhóm quy mô vừa, dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu muốn phát triển mạnh tín dụng vẫn phải tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn hoặc điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai phương án này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn dài hoặc ngắn.

Đánh giá về động thái quảng cáo rầm rộ khuyến mãi để hút tiền gửi của các ngân hàng đang diễn ra, các chuyên gia cho rằng trong hoạt động ngân hàng hiện nay, yếu tố uy tín giữ vai trò rất lớn, và đó là lý do khiến các ngân hàng lớn, lâu năm có lợi thế hơn trong việc hút tiền gửi dù họ kém cạnh tranh về lãi suất.

Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng có tính quyết định đến lựa chọn của khách hàng. Nắm được yêu cầu đó, các ngân hàng đã chú trọng hơn vào yếu tố này để giữ chân khách hàng cũng như hút thêm khách mới.

Thực tế, trong cuộc đua về chất lượng và dịch vụ, theo đánh giá của nhiều khách hàng, các ngân hàng TMCP vẫn chiếm ưu thế so với ngân hàng thương mại nhà nước.

Chị Hoàng Mai (Long Biên, Hà Nội) cho hay: “Các ngân hàng cổ phần rất chú trọng đến yếu tố dịch vụ và chất lượng, chẳng hạn như TPBank. Khi đến ngân hàng này giao dịch, tôi cảm nhận được mình chính là “thượng đế” khi được phục vụ nhanh chóng, thái độ của nhân viên niềm nở, chuyên nghiệp”.