Đưa thanh toán quốc tế thoát khủng hoảng

Theo Tuấn Linh (VnEconomy)

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho hoạt động thương mại quốc tế suy giảm nặng nề. Mức suy giảm thương mại quốc tế trong năm 2009 dự báo sẽ đạt 9%, mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng cần phải làm gì để cải thiện hoạt động thanh toán quốc tế?

Ngân hàng, doanh nghiệp cùng thiệt

Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, mức suy giảm thương mại quốc tế trong năm 2009 dự báo sẽ đạt 9%, mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai: lượng xuất khẩu từ các nước phát triển sẽ giảm 10%; còn tại các nước đang phát triển, nơi vốn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, tốc độ suy giảm dao động trong khoảng từ 2 - 3%.

Đây là hệ quả tất yếu khi hoạt động kinh tế ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thu hẹp, đặc biệt tại châu Á. Sự suy giảm này đã tác động mạnh đến hoạt động thanh toán quốc tế của Việt Nam, nơi có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm tới 160,7% GDP.

Theo TS. Nguyễn Hồng Hải (Học viện Ngân hàng), các ngân hàng Việt Nam là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm này, biểu hiện rõ nét nhất ở doanh số thanh toán quốc tế.

Theo công bố của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đầu mối thanh toán xuất nhập khẩu lớn nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay, 5 tháng đầu năm 2009, doanh số thanh toán xuất nhập khẩu của ngân hàng này đạt 9,851 tỷ USD; trong đó doanh số xuất khẩu đạt 5,049 tỷ USD, doanh số nhập khẩu là 4,802 tỷ USD. So với 5 tháng đầu năm 2008 (13,834 tỷ USD), doanh số thanh toán nói trên của Vietcombank đã giảm tới 29%.

Bên cạnh đó, theo trưởng phòng thanh toán quốc tế của một ngân hàng lớn, cuộc khủng hoảng đã làm giảm uy tín, xếp hạng tín nhiệm của nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán quốc tế của các ngân hàng Việt Nam trên hai phương diện.

Thứ nhất, số lượng ngân hàng đại lý và ngân hàng có quan hệ tài khoản của các ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ giảm xuống.

Đến cuối năm 2008, Vietcombank vẫn là ngân hàng dẫn đầu về số ngân hàng đại lý (1.400 đại lý), tiếp theo là Agribank (931 đại lý) nhưng khả năng hệ thống ngân hàng đại lý đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, nhiều ngân hàng trong nước đã rút tiền về hoặc cắt giảm nhiều tài khoản tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng nước ngoài do lãi suất thấp và uy tín của các ngân hàng nước ngoài bị giảm sút. Hệ quả tất yếu là việc thanh toán của doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian hơn, với chi phí cao hơn và rủi ro lớn hơn trước.

Giúp doanh nghiệp tìm đầu ra

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hoạt động thanh toán quốc tế của các ngân hàng thương mại chỉ có thể phát triển một khi xuất nhập khẩu được duy trì ổn định và ngày càng tăng trưởng.

Bởi vậy, để khắc phục tình trạng suy giảm trong hoạt động thanh toán quốc tế, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Đồng tình với quan điểm của bà Hương, giám đốc trung tâm thanh toán quốc tế một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện gặp nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.

Bởi vậy, việc giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu vừa giúp doanh nghiệp giải quyết đầu ra, vừa giúp ngân hàng tăng được doanh số thanh toán quốc tế.

Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có nhu cầu xuất hàng sang Nhật Bản, ngân hàng cần phối hợp với ngân hàng tại Nhật Bản để họ cung cấp danh mục các nhà nhập khẩu mặt hàng đó tại Nhật Bản.

“Tuy nhiên, để làm được điều này, các ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến việc phát triển có chọn lọc hệ thống ngân hàng đại lý và không ngừng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các ngân hàng đại lý”, bà này nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị giám đốc trên cũng cho rằng, các ngân hàng cần đa dạng hóa các sản phẩm tài trợ thương mại trên cơ sở lập các bộ phận chuyên trách để nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu khách hàng, phát triển các sản phẩm mới như nghiệp vụ bao thanh toán, tài trợ hàng lưu kho... nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, các ngân hàng cần khai thác có hiệu quả, qua đó chủ động nguồn ngoại tệ phục vụ cho nhu cầu khách hàng.