Đưa vàng về đúng vị trí

Theo Thời báo Ngân hàng

Dù chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế chưa được như kỳ vọng, nhưng thị trường vàng đang dần thiết lập trật tự nhờ chính sách quản lý thị trường đang đi đúng hướng. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia khi bàn giải pháp ứng xử với thị trường vàng.

Quan trọng nhất là toàn bộ nền kinh tế được lợi

Đưa vàng về đúng vị trí - Ảnh 1

TS. Lê Xuân Nghĩa  -
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Vàng chỉ là công cụ cất trữ, trong khi việc phục hồi dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá hối đoái lại có vị trí vô cùng quan trọng, có thể nói là sự sống còn đối với đất nước. Tại sao nó lại giữ vị trí vô cùng quan trọng như vậy? Đó là bởi Việt Nam là quốc gia đang nợ nước ngoài và thu hút vốn đầu tư. Vì vậy thanh khoản quốc tế có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện hình ảnh nước ta trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, nó còn liên quan đến an ninh quốc phòng, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô… Có thể cùng là ngoại hối, nhưng vị trí của vàng và ngoại tệ hoàn toàn khác nhau. Và như vậy việc lựa chọn con đường khôi phục lại thị trường ngoại tệ là bắt buộc. Nhưng muốn làm thì dứt khoát phải có biện pháp ứng xử đối với vàng.

Việc buộc các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tất toán trạng thái vàng cả trong nước lẫn trên tài khoản quốc tế là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải làm trong cuộc chiến chống vàng hóa, cũng như thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Việc Chính phủ ban hành Nghị định 24 và nỗ lực triển khai của NHNN trong thời gian qua chính là để thực hiện các mục tiêu đó. Nhưng đây không phải là câu chuyện của ngày một ngày hai.

Tôi tin rằng, sau khi các tổ chức tín dụng (TCTD) tất toán xong trạng thái vàng (hạn chót là 30/6/2013), nhu cầu vàng sẽ giảm xuống rất mạnh; cộng với việc tăng cung qua các phiên đấu thầu vàng miếng, mức chênh lệch giá giữa trong và ngoài nước sẽ giảm nhanh. Và trong một tương lai gần chênh lệch sẽ về mức hợp lý.

Với câu hỏi ai được hưởng lợi từ chính sách về vàng mà dư luận băn khoăn trong thời gian qua? Tôi có thể trả lời đó là nền kinh tế đang được lợi. Bởi nếu chúng ta không có hành động gì mà cứ để các TCTD tiếp tục giữ trạng thái và tài khoản vàng; hoặc để họ tự xoay xở trước yêu cầu phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6, thì có thể đẩy các TCTD đối mặt với rủi ro lớn. Như thế, chắc chắn tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí có thể là khủng hoảng.

Tôi chỉ lấy đơn cử 1 NHTM chỉ mới xử lý riêng vấn đề về vàng đã sụt giảm trên 30% tổng tài sản. Giả định nếu các NHTM đều rơi vào tình cảnh như vậy, hệ thống ngân hàng như thế nào. Nếu điều đó xảy ra, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Đây là điều mà Chính phủ, NHNN rất trăn trở khi ứng xử với vàng là những mối nguy cơ lớn từ thị trường này. Và việc không để hệ thống ngân hàng rơi vào rủi ro đó là có lợi cho toàn bộ nền kinh tế. Còn ai được lợi cụ thể, tôi không bàn tới.

Đặt lợi ích từ cả hai phía

Đưa vàng về đúng vị trí - Ảnh 2
TS. Vũ Đình Anh -
Chuyên gia kinh tế
Hiện nay, hầu hết chúng ta đang đặt mình ở vị thế người mua vàng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc chênh lệch giá vàng khiến người dân bị thiệt. Nhưng tại sao không đặt ở vị thế người bán vàng. Nên giả định chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn tới 7 triệu đồng/lượng, hoặc hơn thế thì tôi cho rằng người dân Việt Nam không thiệt.

Vì lúc họ đứng ở vị thế người bán, lúc ở vị thế người mua. Mua đắt nên họ bán cũng đắt. Chúng ta phải đặt lợi ích trên cả hai phía. Đấy mới là thị trường. Điều cần phải quan tâm hơn mà ít người để ý đó là chênh lệch giữa giá mua và bán mới ảnh hưởng đến túi tiền người dân.

Tôi cho rằng, NHNN đang hỗ trợ các TCTD xử lý trạng thái vàng qua các phiên đấu thầu là phù hợp. Và khi các TCTD hoàn thành việc đóng trạng thái vàng, thì tôi tin rằng thị trường này không chỉ mang dáng dấp thị trường sơ cấp mà tiến tới là thứ cấp. Tức là không chỉ có NHNN, mà những đơn vị tham gia trên thị trường đấu thầu sẽ giữ cả hai vị thế mua và bán.

Về câu chuyện vàng miếng là mặt hàng không khuyến khích, tôi hoàn toàn đồng tình. Nhưng theo tôi, trong thời gian tới nên ứng xử với mặt hàng này bằng các công cụ kinh tế tùy theo quan điểm điều hành thị trường vàng như thế nào. Lúc đấy có thể bài toán vàng miếng sẽ giống như với ô tô.

Triệt tiêu vai trò tiền tệ của vàng

Đưa vàng về đúng vị trí - Ảnh 3

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách

Tôi hoàn toàn đồng tình với chính sách vàng của NHNN là triệt tiêu vai trò tiền tệ của vàng, đưa vàng về đúng vị trí vốn có của nó. Tức là vàng sẽ chỉ là một tài sản như chứng khoán, bất động sản… và không được phép là phương tiện thanh toán. Người sở hữu muốn mua, bán, cất trữ là quyền của họ.

Việc NHNN “đánh bật” quan hệ cho vay – huy động vàng sang mua - bán là hành động đúng đắn. Bởi nếu để các công ty kinh doanh vàng huy động, điều tiết lãi suất và lượng cung trên thị trường thì vô hình trung họ sẽ đóng vai trò như một Ngân hàng Trung ương với phương tiện lưu thông là vàng. Còn NHNN là Ngân hàng Trung ương với phương tiện lưu thông là tiền. Và một nước có hai cơ quan điều hành với hai phương tiện lưu thông sẽ rất bất ổn.

Từng bước đi chính sách của NHNN đang đúng hướng, nhưng để người dân hiểu hơn, NHNN có thể giải thích rõ hơn quá trình triển khai chính sách. Vì với tính đặc thù của Việt Nam, không thể ngày một ngày hai loại bỏ hoàn toàn vàng ra khỏi lưu thông. Nhưng tôi tin rằng, những thông điệp chính sách rõ ràng từ NHNN và những kết quả tích cực thiết lập trật tự thị trường vàng trong thời gian qua, NHNN đang từng bước đưa vàng trở về đúng vị trí của nó chỉ như một tài sản. Khi đạt thành công này thì NHNN có thể thiết lập thị trường sơ cấp, thứ cấp và mua bán tham gia…