Đừng lẫn quản lý với kinh doanh vàng!

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG

(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng kinh doanh, nếu vừa quản lý vừa buôn bán vàng sẽ tạo ra cơ chế độc quyền.

 Đừng lẫn quản lý với kinh doanh vàng!

Quy định theo hướng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp can dự, chi phối thị trường vàng miếng nếu được ban hành có thể lập lại trật tự giá vàng trên thị trường. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ.

Quản lý kiểu “một mình một chợ”

Theo khoản 3 Điều 1 Dự thảo Quyết định, “giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN do thống đốc NHNN quyết định”. Thế nhưng trong cơ chế thị trường, giá phải do thị trường quyết định. NHNN là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng kinh doanh. Nếu NHNN vừa quản lý vừa buôn bán vàng sẽ tạo ra cơ chế độc quyền.

Hiện nay, NHNN điều tiết thị trường bằng biện pháp hành chính, mệnh lệnh (cấp giấy phép chuyển đổi, quản lý máy móc sản xuất...), bỏ qua các yếu tố cung cầu của thị trường dẫn đến bế tắc trong sản xuất và lưu thông, tạo ra khan hiếm giả tạo. Giá vàng trong nước gần đây cao hơn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. Trong lịch sử, chưa từng có sự chênh lệch vô lý như vậy.

Trước đây, khi các ngân hàng thương mại (NHTM) chưa tham gia, thị trường vàng không hề có hiện tượng đầu cơ, sốt giá cao độ như thời gian qua. Ngay cả trong bối cảnh siêu lạm phát những năm 1980 cũng không có và Nhà nước còn nhập vàng để bình ổn.

Hơn nữa, những biện pháp hành chính đưa ra chỉ có tính tình thế, đối phó cục bộ. Thế giới đang chuyển hướng từ thị trường vật chất sang thị trường tài chính với các sản phẩm đầu tư tiện ích hơn (như chứng chỉ quỹ). Trong khi đó, Việt Nam vẫn chăm chăm quản lý sản xuất và kinh doanh vàng miếng khiến cho danh mục sản phẩm tài chính bị hạn chế.

Việt Nam đang quản lý thị trường vàng kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Cả trong quá khứ và hiện tại, chưa một ngân hàng trung ương nào trên thế giới có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng. Ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Thụy Sĩ, Ấn Độ…, mỗi tổ chức, doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vàng đều có thương hiệu riêng và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình.

Hãy trả lại cho DN!

Từ những điều chưa hợp lý trên, rõ ràng NHNN chỉ nên thực hiện chức năng quản lý nhà nước, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng, chính sách thuế. NHNN không nên tham gia sản xuất, kinh doanh, không trực tiếp can dự vào việc kinh doanh của các DN.

NHNN chỉ quản lý tuổi vàng, trọng lượng, nhãn hiệu như các DN đã đăng ký, cho phép nhiều thương hiệu vàng cùng tồn tại thay vì độc quyền. DN nào đáp ứng đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường.

Tôi cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24/2012 để loại bỏ những bất cập trên thị trường. Theo đó, NHNN trả lại sản xuất, kinh doanh vàng miếng cho các DN. NHTM không nên đóng vai trò đầu mối kinh doanh vàng miếng mà chỉ nên triển khai các sản phẩm tài chính phái sinh, nếu muốn kinh doanh vàng miếng thì nên thành lập công ty vàng độc lập.

Việc chống “vàng hóa” không thể thực hiện bằng giải pháp hành chính mà phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản…) trên một trung tâm giao dịch tập trung.

Với trung tâm này, nhà đầu tư cá nhân, tổ chức không cần phải cầm vàng đến hoặc mang vàng về mỗi lần giao dịch mà có thể ký gửi tại các trung tâm lưu ký, tiện lợi, nhanh chóng và bớt rủi ro hơn rất nhiều so với phương thức mua bán vàng miếng truyền thống. Giá mua, bán được ghi số ngay trên tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống.