Đừng vội bắt đáy

Theo Linh Linh/nhadautu.vn

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược CTCK PSI cho rằng, thị trường sẽ còn điều chỉnh và có thể tiếp tục giảm sâu hơn trong 5 phiên tới.

Diễn biến thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi sự bùng phát của dịch COVID-19 và đến từ áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại. Nguồn: internet
Diễn biến thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi sự bùng phát của dịch COVID-19 và đến từ áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại. Nguồn: internet

Mở đầu phiên giao dịch tuần mới 23/3, thị trường đã ngập trong sắc đỏ, áp lực bán cực mạnh khiến hầu hết cổ phiếu giảm sàn. Có thời điểm VN-Index mất xấp xỉ 6,5%. Hàng loạt Bluechips như BVH, FPT, GAS, HPG, VIC, VNM, HVN, SAB, MWG, VHM…hay các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, VCB…đều giảm sàn "trắng bên mua".

Phải nhờ đến lực kéo của một vài Bluechips như NVL, MSN trong những phút cuối phiên, thị trường mới thu hẹp đà giảm đôi chút. Ngoài ra, việc một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đảo chiều tăng điểm trong phiên ATC giúp VN-Index hồi phục nhẹ.

Dù vậy, phiên hôm 23/3 vẫn khá tiêu cực khi áp lực bán trên toàn thị trường vẫn rất mạnh. Số mã giảm điểm trên cả 3 sàn lên tới 673 mã, bao gồm 308 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn so với 127 mã tăng điểm.

Theo đó, chỉ số VN-Index chốt phiên giảm 43,14 điểm tương đương 6,08%, xuống còn 666,59 điểm.

Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường ở mức trung bình 20 phiên giao dịch cho thấy nhà đầu tư có lẽ đã rút ra khỏi thị trường và duy trì vị thế quan sát chứ không còn tham gia bắt đáy như phiên 19/3 trước đó. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE và HNX đạt 353 triệu cổ phiếu, trị giá 5.600 tỷ đồng.

Giao dịch khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay, nhưng có phần "hạ nhiệt" đôi chút khi chỉ còn bán ròng hơn 400 tỷ đồng. Áp lực bán của khối ngoại tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu Bluechips như MSN (99,7 tỷ đồng), HPG (86,5 tỷ đồng), VNM (32 tỷ đồng), VJC (30 tỷ đồng)…

Trên thị trường phái sinh, tâm lý bi quan của các nhà đầu tư có thể thấy rõ khi cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa giảm sàn.

Cụ thể, HĐ VN30F2004 đóng cửa tại 625,1 điểm, giảm mạnh 6,9%; tương tự HĐ VN30F2005 giảm 6,98% - 621,7 điểm, VN30F2006 giảm 6,99% - 620,8 điểm và HĐ VN30F2009 giảm 6,99% - 622,3 điểm.  

Sau phiên giao dịch, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược CTCK Dầu khí (PSI) về diễn biến của thị trường phiên 23/3 và chiến lược đầu tư trong giai đoạn hiện tại.

TS. Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI)
TS. Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Phóng viên: Giao dịch phiên 23/3 có thể nói là khá tiêu cực khi VN-Index mất hơn 43 điểm và cũng đánh dấu mốc 30 phiên bán ròng liên tiếp của khối ngoại. Ông đánh giá thế nào về điều này?

TS. Lê Đức Khánh: VN-Index có khả năng sẽ giảm về mốc 600 điểm

VN-Index hôm 23/3 đã giảm sâu hơn 43 điểm tụt về mốc 666,59 điểm, nhóm cổ phiếu thuộc VN30 cũng đã giảm rất mạnh. Đây là phiên lịch sử, giảm mạnh nhất trong 19 năm đổ lại.

Diễn biến thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi sự bùng phát của dịch COVID-19 và đến từ áp lực bán ròng dữ dội của khối ngoại.

Hiện nay, khối ngoại đã bán ròng 3.200 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại có sự đóng góp không nhỏ đến từ các quỹ ETFs như Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF), VFMVN30 ETF…

Nhìn chung các quỹ ETFs đều đang có xu hướng rút vốn không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Việc khối ngoại bán ròng mạnh và liên tiếp đã ảnh hưởng tới các cổ phiếu có vốn hóa lớn tác động lên chỉ số của thị trường. Do đó, diễn biến điều chỉnh thị trường sẽ còn ảm đạm và tiếp tục giảm sâu hơn trong 5 phiên tới. Tôi dự đoán, VN-Index có khả năng có thể giảm về mốc 600 điểm.

Với tình hình VN-Index giảm sâu như hiện nay, theo ông, nhà đầu tư nên có chiến lược giao dịch thế nào?

TS. Lê Đức Khánh: Ưu tiên đứng ngoài thị trường quan sát, đừng vội bắt đáy

Bối cảnh hiện nay khác hoàn toàn với bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2018. Câu chuyện dịch bệnh ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế không phải trong thời gian ngắn, mà còn có thể kéo dài tới 6 tháng, thậm chí là 1 năm. Rõ ràng thị trường có thể giảm và còn giảm sâu hơn nữa, vì vậy, chúng ta không nên tính toán đáy thị trường.

Theo tôi, hiện nay các nhà đầu tư nên cân nhắc và ưu tiên xu hướng tiền mặt.

Đối với những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao và đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể canh những nhịp thị trường giảm về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo để bắt đáy thăm dò một phần nhỏ tỷ trọng. Còn với những nhà giao dịch ngắn hạn ưu tiên đứng ngoài thị trường quan sát, đừng vội bắt đáy.

Cảm ơn ông!