FED tăng lãi suất và quyết định hợp lý của Ngân hàng Nhà nước

Theo thoibaonganhang.vn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đưa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá trong ngày đầu tiên FED tăng tỷ giá là hợp lý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự biến động biết trước

Như đã được dự đoán, FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm trong phiên họp rạng sáng ngày 15/2 theo giờ Việt Nam. Thị trường không bất ngờ trước quyết định này của FED, nhưng thị trường toàn thế giới cũng vẫn có những biến động ngay lập tức về tỷ giá, lãi suất và giá vàng.

Thị trường trong nước cũng không nằm ngoài diễn biến chung đó. Do không bất ngờ và đã có sự đón định từ trước nên tỷ giá tuy biến động nhưng không nhiều. Tuy nhiên diễn biến trên thị trường từ sáng cho đến giữa chiều ngày 15/12 – ngày đầu tiên trước tác động FED tăng lãi suất – cho thấy dường như vẫn còn một sự nghe ngóng xem Việt Nam sẽ chịu những tác động gì?

FED tăng lãi suất, trước hết tác động đến lãi suất USD, và  lãi suất tăng là điều hoàn toàn không bất ngờ bởi lẽ điều này đã được cân nhắc từ nhiều phiên họp trước dựa trên những dấu hiệu lạc quan về phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Thậm chí, nếu không phải vì cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng 11 vừa qua thì quyết định tăng lãi suất đã có thể đến sớm hơn.

Kết quả bầu cử tuy có bất ngờ khi tỷ phú bất động sản D. Trump giành thắng lợi, song dường như  đã sớm có những hiệu ứng đồng thuận với những biểu hiện tích cực của nền kinh tế. Sự quyết tâm thực hiện những cam kết tranh cử “làm cho Hoa Kỳ mạnh mẽ trở lại” thông qua những tuyên bố gần đây, đặc biệt đối với hỗ trợ sản xuất trong nước, ổn định việc làm, hiệu quả các chương trình chi tiêu... đã củng cố thêm niềm tin vào sức mạnh và tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới năm 2017 và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh đó, FED quyết định tăng lãi suất là hoàn toàn có cơ sở và là một quyết định hợp lý.  

Việc tăng lãi suất cơ bản của FED tất yếu làm cho đồng USD tăng giá và đồng thời làm cho vàng, chứng khoán và các đồng tiền khác giảm giá. Xét trên giác độ “kinh tế học chuẩn tắc”, khi lãi suất của USD tăng lên thì giá trị của USD tăng so với các đồng tiền khác trên cả hai cách tiếp cận (lợi tức kỳ vọng và nguyên lý ngang bằng lãi suất).

Nhà đầu tư mua USD nhiều hơn, cũng có nghĩa là dòng vốn vào thị trường vàng và thị trường chứng khoán giảm tuân theo đúng nguyên lý “lãi suất và thị giá chứng khoán luôn có sự biến động ngược chiều”.     

Lòng tin của công chúng vào VND vẫn đang được củng cố

Tại Việt Nam, mức độ ảnh hưởng từ quyết định của FED thể hiện ngay ở phiên giao dịch sáng 15/12/2016, lập tức tỷ giá tăng nhưng mức tăng không lớn. Hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh tỷ giá mua vào và bán ra ở mức 10 đến 50 đồng/USD và NHNN cũng điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên 11 đồng/USD, trong khi giá vàng đã “lập đáy kỷ lục mới” trong 10 tháng qua. Mức biến động tỷ giá tăng trong ngày đầu tiên chỉ như một phản xạ tất yếu của thị trường ví như cơ thể có phản ứng nhẹ trước sự thay đổi của thời tiết. Tuy nhiên liệu thị trường có bình tĩnh tỉnh táo để không xảy ra một cơn sốt nặng hay không?

Tác động từ quyết định của FED đối với lãi suất ở  Việt Nam chưa thực sự rõ ràng bởi lẽ mới chỉ có thông tin một số NHTM tăng lãi suất tiền gửi trung và dài hạn với VND (tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên) lên từ 1,5-2,5%/năm nhằm mục đích cải thiện cơ cấu và ổn định nguồn, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nguồn kỳ hạn ngắn cho vay trung và dài hạn ở mức 50% bắt đầu từ đầu năm 2017. Đồng thời, việc tăng cường huy động vốn trung và dài hạn cũng được một số NHTM lý giải là để có điều kiện cân đối và giảm lãi suất cho vay. 

FED tăng lãi suất dường như không tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam khi mà chỉ số chứng khoán ở cả hai sàn đều tăng, ngược với xu hướng của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và các nước khác. Một mặt vì điều đó chưa tác động đến lãi suất trong nước, mặt khác lòng tin của công chúng vào VND vẫn đang được củng cố thông qua Việt Nam được đánh giá là điểm sáng về sự ổn định về chính trị và tăng trưởng kinh tế (GDP 6,1%, lạm pháp được kiểm soát).  

Thị trường vẫn đang nghe ngóng sự điều hành của NHNN. Trước tình hình này, một số người tỏ ra quan ngại  và một số chuyên gia đã khuyến cáo NHNN nên tiến hành điều chỉnh tỷ giá. Chúng tôi cho rằng không phải cứ lãi suất bên ngoài tăng, tỷ giá bên ngoài tăng là ta vội điều chỉnh tăng theo.

Quan điểm của chúng tôi là việc tăng lãi suất của FED cũng như những diễn biến về tỷ giá và giá vàng trên thế giới hiện nay là cần được quan tâm nhưng không đáng lo ngại.

NHNN chắc chắn sẽ không đưa ra bất cứ một quyết định nào khi  chưa có những đánh giá một cách có cơ sở về những tác động của FED đến thị trường thế giới, những phản ứng của các quốc gia chịu tác động lớn và dĩ nhiên đánh giá biến động ở thị trường trong nước, cũng tùy theo tác động và diễn biến để có quyết định và giải pháp phù hợp.

Hơn nữa, việc điều hành tỷ giá theo cơ chế “tỷ giá trung tâm” thực hiện từ đầu năm 2016 đã đảm bảo rằng việc điều hành của NHNN luôn bám sát diễn biến của thị trường và việc tăng tỷ giá trung tâm lên 11 đồng/USD sáng 15/2 là một ví dụ.

Ngoài ra, khi có cơ sở và xét thấy cần thiết, NHNN có thể áp dụng các công cụ khác như thu hẹp biên độ dao động xuống mức 2%, thậm chí 1% và phối hợp thêm các biện pháp trực tiếp và gián tiếp tăng khả năng cung ngoại tệ và khuyến khích các NHTM sử dụng các nghiệp vụ phái sinh trong thanh toán để hạn chế rủi ro tỷ giá trong các giao dịch để đảm bảo hiệu quả kinh doanh cũng như bảo vệ lợi ích của khách hàng. 

Bên cạnh đó, Việt Nam đang có quỹ dự trữ ngoại hối lên tới 40 tỷ USD và chúng ta đủ sức giữ ổn định thị trường. Như vậy,  NHNN không đưa ra quyết định điều chỉnh tỷ giá trong ngày đầu tiên FED tăng tỷ giá là hợp lý. Hơn nữa, NHNN vẫn nên  kiên quyết và kiên trì các biện pháp chống đô la hóa, hạn chế cho vay bằng USD, nên lãi suất cũng chưa chịu tác động tiêu cực.