Giá dầu tăng, chọn... cổ phiếu nào?

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Thị trường dầu mỏ sau khi chạm đáy dưới 30USD/thùng vào tháng 2/2016, đã phục hồi trở lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đáng chú ý, xu hướng tăng nhanh đang dần thiết lập trong những tháng gần đây, khi duy trì đà tăng liên tiếp kể từ tháng 9 và nhanh chóng vượt mốc 50USD/thùng. Hiện tại giá dầu WTI giao dịch quanh vùng 58USD/thùng và có khả năng sớm vượt mốc 60USD/thùng trong thời gian tới. 

Lựa chọn cổ phiếu đầu ngành dầu khí

Việc giá dầu tăng ảnh hưởng lên nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Đặc biệt, những doanh nghiệp trong ngành dầu khí sẽ được hỗ trợ tích cực từ xu hướng tăng trở lại của giá dầu nên kết quả kinh doanh được cải thiện. Do đó, nhà đầu tư cần lưu ý lựa chọn các cổ phiếu phù hợp trong ngành dầu khí để tận dụng xu thế đi lên của giá dầu.

Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ dầu khí (PVD) là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi giá dầu đi xuống. Từ kết quả kinh doanh mỗi năm lãi từ 1.500 - 2.500 tỷ đồng thì trong năm 2016, doanh nghiệp này chỉ còn lãi 129 tỷ đồng, EPS giảm nhanh từ mức hơn 8.000 đồng trong giai đoạn trước xuống chỉ còn vỏn vẹn 367 đồng trong năm 2016. Đáng chú ý, năm 2017, doanh nghiệp này có thể lần đầu tiên sẽ báo lỗ trong kết quả kinh doanh khi số lượng giàn khoan cho thuê sụt giảm, không thể bù đắp nổi chi phí hoạt động.

Giá cổ phiếu PVD đã giảm từ hơn 80.000 đồng hồi năm 2014 xuống mức thấp nhất tại 13.000 đồng trong năm nay. Dù vậy, tại mức đáy này, giá cổ phiếu đã bắt đầu hồi phục cùng với diễn biến ngày càng tích cực của giá dầu. Dù kết quả kinh doanh có thể chưa sớm được cải thiện nhưng giá cổ phiếu của PVD trong những tháng gần đây tăng nhanh trở lại, trên 19.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng 46%.

Một doanh nghiệp đầu ngành khác vốn hoạt động hiệu quả trong nhóm doanh nghiệp dầu khí từ nhiều năm qua là Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) cũng có diễn biến tương tự. Dù kết quả kinh doanh sụt giảm không mạnh như PVD nhưng diễn biến giá cổ phiếu của PVS có xu hướng tiêu cực khi giảm từ mức gần 40.000 đồng/cổ phiếu xuống mức đáy tại 15.200 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 10. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu PVS đang dần hồi phục, dù mức tăng giá có chậm hơn PVD.

Kết quả kinh doanh 9 tháng năm nay của PVS cho thấy doanh thu thuần đạt 10.873 tỷ đồng, giảm 21,7% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế đạt gần 714 tỷ đồng, chỉ giảm 4,8% so với cùng kỳ 2016. Dự kiến kết thúc năm nay, lợi nhuận của PVS có thể đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, tức tương đương với kết quả năm 2016.

Và nếu xu hướng giá dầu tiếp tục đi lên bền vững thì kết quả kinh doanh của PVS hay PVD sẽ còn tiếp tục cải thiện tích cực trong thời gian tới.

Một số doanh nghiệp dầu khí khác cũng cần được lưu ý khi giá dầu phục hồi, như PVT, PVE, PXS,...

Những cổ phiếu bị tác động tiêu cực

Trong khi nhóm cổ phiếu dầu khí được lợi khi giá dầu tăng thì nhiều doanh nghiệp có sử dụng nguyên nhiên liệu đầu vào từ dầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể là nhóm doanh nghiệp vận tải hàng không đang niêm yết như Vietnam Airlines (HVN) hay Vietjet Air (VJC) sẽ phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng đáng kể.

Dù vậy, trong ngắn hạn thì diễn biến giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này vẫn đang tăng. Cụ thể, giá của HVN tăng mạnh trong những ngày gần đây, lên mức gần 40.000 đồng/cổ phiếu trên sàn Upcom, tương ứng tăng gần 100% từ quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu "lình xình" trong suốt những tháng đầu năm nay.

Sự tăng giá của cổ phiếu này gần đây được hỗ trợ bởi thông tin doanh nghiệp này sẽ chào bán thêm cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và chuẩn bị cho đợt niêm yết lên sàn HoSE vào năm tới.

Với những gì đã diễn ra trong đợt thoái vốn gần đây tại Vinamilk thì các nhà đầu tư đều kỳ vọng những phiên chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới sẽ có kết quả tích cực tương tự.

Giá cổ phiếu của VJC cũng có diễn biến tích cực gần đây khi duy trì xu hướng tăng từ mức quanh 85.000 đồng/cổ phiếu lên mức hơn 135.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch gần nhất, tương ứng với mức tăng gần 60%.

Việt Nam là một trong 5 thị trường hàng không đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới thì những doanh nghiệp hàng không giá rẻ như VJC sẽ còn tiếp tục mở rộng thị phần. VJC hồi cuối tháng 11 xin ý kiến nâng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 từ 50% lên 60%, trong đó tiền mặt từ tối đa 30% lên tối đa 40%. Thông tin này hỗ trợ tốt cho giá cổ phiếu.

Trong ngắn hạn, sự tác động của giá dầu tăng lên ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên là chưa rõ ràng, tuy nhiên nếu giá dầu tiếp tục tăng vững chắc trong thời gian tới thì ảnh hưởng lên hoạt động dài hạn của các doanh nghiệp vận tải, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy có thể thấy rõ.

Trong đó, nhóm vận tải hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể khi cơ cấu chi phí nhiên liệu máy bay của nhóm này chiếm xấp xỉ 40% trong giá vốn vận tải hành khách. Nếu không có chiến lược phòng ngừa rủi ro giá nhiên liệu tăng thì kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này bị suy giảm là điều tất yếu.