Gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư

Thu Hà

(Tài chính) Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tại Việt Nam ban hành theo Quyết định 253/2012/QĐ-TTg ngày 2/3/2012 được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư ở Việt Nam, qua đó thu hút thêm dòng vốn FII. Tuy nhiên thực tiễn thời gian qua cho thấy, để thu hút được dòng vốn này, bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ chính sách thì việc ổn định vĩ mô cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng

Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư
Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư

Kỳ vọng từ chính sách

Theo Quyết định 253/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tại Việt Nam, định hướng quan trọng của Đề án là tiếp tục khuyến khích thu hút dòng vốn FII theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng, thông qua hoạt động đầu tư có tổ chức, chuyên nghiệp, giá trị đầu tư lớn và cam kết gắn bó lâu dài với TTCK Việt Nam. Khi chất lượng dòng vốn FII được tăng lên bền vững, về dài hạn, sẽ góp phần thu hẹp hình thức đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, qua đó tạo thuận lợi trong việc nâng cao tính ổn định cho TTCK.

Để thực hiện theo định hướng này, Đề án đưa ra một loạt giải pháp mang tính đồng bộ, chặt chẽ để thu hút có hiệu quả dòng vốn đầu tư gian tiêp nước ngoài.

Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là trong thời gian tới, các cơ quan quản lý sẽ ngày càng đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng thông lệ quốc tế với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài khi tham gia gửi vốn vào TTCK Việt Nam. Biện pháp này nhằm góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư trên TTCK Việt Nam, qua đó hy vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn FII.

Đề án cũng phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với công tác quản lý và theo dõi dòng vốn FII. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ theo dõi luồng vốn vào - ra thông qua hoạt động quản lý tài khoản. UBCK có trách nhiệm theo dõi hoạt động đầu tư của NĐT nước ngoài trên TTCK  thông qua diễn biến giao dịch và các công cụ khác.

Theo TS.Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để quản lý dòng vốn FII, trước đây Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như Quy chế hướng dẫn về đầu tư nước ngoài trên TTCK; Quy chế về Văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam... qua đó, đã giúp gia tăng lớn dòng vốn FII vào thị trường trong những năm qua. Song với việc thực hiện một loạt giải pháp mang tính đồng bộ, chặt chẽ, hy vọng Đề án sẽ  tạo ra những tác động tích cực để thu hút có hiệu quả dòng vốn quan trọng này.

TS.Vũ Bằng cho biết,  một nội dung đáng chú ý trong Đề án là làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc nâng cao tính chuẩn xác, kịp thời và minh bạch cho các dữ liệu về dòng vốn FII. Trong đó, các biến động về luồng vốn ra - vào, chế độ báo cáo của các tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được cập nhật thường xuyên, chặt chẽ hơn. Nghĩa là chất lượng cơ sở dữ liệu về dòng vốn FII sẽ được cải thiện một bước trong thời gian tới. Đây là biện pháp quan trọng để giúp cơ quan quản lý kịp thời nắm bắt được xu hướng vận động của dòng vốn FII, trên cơ sở đó chủ động triển khai các biện pháp quản lý, ứng phó phù hợp, hiệu quả.

Cũng theo ông Vũ Bằng, Đề án đưa ra các kịch bản ứng phó cụ thể với các tình huống diễn biến khác nhau của dòng vốn FII theo thông lệ quốc tế, đáp ứng đòi hỏi của cam kết WTO, cũng như các cam kết quốc tế khác.

Để đảm bảo tính khả thi cao cho các kịch bản ứng phó, Đề án đề cập việc phối hợp chính sách đồng bộ, từ xa trên nhiều lĩnh vực liên quan như: tiền tệ, tài chính, hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như các hoạt động khác có tác động đến cung cầu ngoại tệ, biến động tỷ giá…

Mục tiêu quan trọng mà các kịch bản ứng phó hướng tới là nhằm giảm thiểu tác động không lành mạnh đến ổn định vĩ mô, khi dòng vốn FII rơi vào trạng thái biến động mạnh. Chẳng hạn, khi dòng vốn vào nhiều, thì tùy điều kiện vĩ mô cụ thể mà cơ quan quản lý quyết định mức độ hấp thụ dòng vốn này sao cho hài hòa các mục tiêu: tạo động lực hỗ trợ TTCK mang tính dài hạn và bền vững, không quá tác động tới lạm phát, vẫn giữ được sức hấp dẫn của thị trường để thu hút luồng vốn lành mạnh trong tương lai…

Tác động tới thị trường và triển vọng

Việc ban hành Đề án với những biện pháp đồng bộ chặt chẽ như trên, đã thể hiện sự quan tâm của cơ quan quản lý cao nhất là Chính phủ với TTCK, tiếp tục khuyến khích thu hút dòng vốn FII theo hướng tuân thủ các cam kết quốc tế cũng như hội nhập WTO.

Với những nỗ lực của Chính phủ,  cuối quý I đầu quý II, dòng vốn FII đã quay lại thị trường khá mạnh. Theo thống kê của Ngân hàng Hồng Công - Thượng Hải (HSBC) thì trong quý I/2012, đã có khoảng 500 triệu USD chảy vào TTCK Việt Nam. Trước viễn cảnh kinh tễ vĩ mô dần ổn định, lạm phát đã được cải thiện đáng kể, rủi ro tỷ giá thấp, các NĐT quốc tế đã nhìn nhận tiềm năng của TTCK Việt Nam lớn hơn. Bởi vậy, chỉ trong hai tháng 2 và 3/2012, dòng vốn FII đã quay lại thị trường khá mạnh. Khối ngoại đã mua ròng trên 2.000 tỷ đồng trong thời gian này, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thống kê cho thấy có những tuần quy mô mua vào của NĐT nước ngoài chiếm trên 20% tổng giá trị thị trường. Đặc biệt ở nhiều cổ phiếu ngân hàng, giao dịch của khối ngoại chiếm từ 50 - 90%, ảnh hưởng đáng kể tới thanh khoản hằng ngày.

Tính đến hết quý I/2012, chỉ riêng 12 quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất TTCK Việt Nam đã có giá trị tài sản ròng gần 3 tỷ USD. Tính tổng thể thị trường, NĐT nước ngoài đang sở hữu giá trị tài sản ròng khoảng gần 6 tỷ USD. Chiếm phần lớn trong số đó (hơn 70%) tập trung vào các cổ phiếu của nhóm 30 công ty niêm yết trên sàn có vốn hóa lớn nhất. Số NĐT nước ngoài đăng ký giao dịch trên thị trường cũng liên tục tăng lên.

Tiếp sau khi ban hành Đề án, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng tính minh bạch của thị trường như: Ban hành Thông tư 52/2012/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK. Hệ thống công bố thông tin đang ngày càng được hoàn thiện và hướng tới tự động hóa hoàn toàn trong hoạt động công bố thông tin. Bước đầu Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã triển khai hệ thống quản lý thông tin tự động đối với công ty niêm yết (CIMS) nhằm tăng cường chất lượng công bố thông tin, tăng tính chủ động của các doanh nghiệp.  Bên cạnh đó, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ  về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán cũng đã được ban hành.  Đây được coi là những bước tiến trong nỗ lực gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư  tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do xu hướng sụt giảm của TTCK  trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn, nên đà thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong quý II và quý III cũng bị  chững lại.  Bên cạnh đó, ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu và suy thoái kinh tế diễn ra tại nhiều nền kinh tế lớn đã khiến các dòng vốn đầu tư bị thu hẹp.  Điều này cho thấy, để thu hút được dòng vốn ngoại vào TTCK  thì ngoài các giải pháp tăng tính minh bạch của thị trường, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, thì việc ổn định vĩ mô cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất.

Tuy vậy trong bối cảnh khó khăn hiện nay vẫn có những tin vui. Đó  là trong tháng 10, cổ đông của hai quỹ đầu tư Vietnam Enterprise InvestmentLimited (VEIL) và Vietnam Growth Fund Limited (VGF) mới đây đã đồng ý gia hạn thời gian hoạt động. Cụ thể, kéo dài thời gian giữa hai lần biểu quyết về hoạt động của quỹ VEIL từ 2 lên 5 năm (kéo dài đến năm 2017) và VGF từ 2 lên 3 năm (kéo dài đến năm 2015). Đây là hai quỹ đầu tư do Công ty Dragon Capital quản lý và chuyên đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết tại Việt Nam. Tương tự, đại hội nhà đầu tư bất thường của Quỹ đầu tư chứng khoán Vietnam Equity Holding (VEH) và Quỹ đầu tư bất động sản Vietnam Property Holding (VPH) do Công ty Saigon Asset Management (SAM) quản lý cũng vừa thông qua việc gia hạn hoạt động của quỹ thêm 3 năm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài mới đang xem xét khả năng đầu tư tại Việt Nam.  Trong bối cảnh  cạnh tranh thu hút dòng vốn FII của tất cả các quốc gia trên thế giới rất quyết liệt, và ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công châu Âu và suy thoái kinh tế diễn ra tại nhiều nền kinh tế lớn đã khiến các dòng vốn đầu tư bị thu hẹp, việc các quỹ lựa chọn tiếp tục ở lại Việt Nam cho thấy dù khó khăn nhưng NĐT ngoại vẫn quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Với những nỗ lực gia tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư  theo tinh thần Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, cộng với sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới TTCK Việt Nam, có thể hy vọng rằng, khi những nền tảng kinh tế vĩ mô tốt lên, chắc chắn TTCK Việt Nam sẽ thu hút được rất nhiều nhà đầu tư ngoại, như một cổ đông của Saigon Asset Management đã từng tiên đoán, “sẽ có làn sóng thần đầu tư thứ hai tới Việt Nam”.