Giá vàng vẫn bập bênh

BÙI NHƠN - TRÀ PHƯƠNG

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sau ngày 30-6, giá vàng tiếp tục là ẩn số nhưng theo xu hướng giảm dần.

Hai ngày sau thời điểm 30-6 dành cho các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái vàng, giá vàng trong nước vẫn lên xuống bất thường.

Trồi sụt không yên

Nếu như ngày 1-7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào vàng SJC ở mức giá 36,8 triệu đồng/lượng thì sáng 2-7, giá mua vào chỉ ở mức 36,3 triệu đồng/lượng, tức giảm khoảng 500.000 đồng/lượng sau một ngày.

Nhưng đó là giá vàng buổi sáng, đến đầu giờ chiều cùng ngày thì giá vàng SJC được Công ty SJC thu vào mức 36,85 triệu đồng/lượng, cách đỉnh giá vàng ngày 29-6 gần 600.000 đồng/lượng. Còn so với ngày 28-6, ngày giá vàng về mức 34 triệu đồng/lượng chiều mua vào thì giá vàng tăng gần 3 triệu đồng/lượng.

Có thể thấy chỉ trong vòng một tuần quanh thời điểm tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại mà giá vàng biến động khôn lường.

ngay trong ngày 2-7, dù đã đóng trạng thái vàng nhưng khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa 40.000 lượng vàng ra đấu thầu thì các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại vẫn mua hết. Đây là phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau thời hạn tất toán trạng thái vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 37,07 triệu đồng/lượng, thấp nhất là 36,72 triệu đồng/lượng.

Giá vàng vẫn bập bênh - Ảnh 1

Diễn biến này càng phản ánh tình hình thị trường vàng chưa yên và có lẽ vì thế nên NHNN tiếp tục thông báo bán tiếp vàng trong ngày hôm nay (3-7) cũng với khối lượng 40.000 lượng.

Như vậy, tính ra tổng khối lượng vàng NHNN tung ra thị trường kể từ ngày 28-3 đến ngày 2-7, thông qua 38 phiên đấu thầu là con số rất lớn.đã có 997.000 lượng (tương đương 38,3 tấn) được mua.

“Thuốc” của NHNN có tác dụng

Tuy nhiên, xét một cách tổng thể về nội lực toàn thị trường thì giá vàng sắp tới vẫn có khả năng giảm.

Đầu tiên là do “thuốc” của NHNN có tác dụng khi nhu cầu vàng từ các ngân hàng thương mại đã giảm bớt. Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết các ngân hàng đã mua vào hơn 100 tấn vàng để tất toán trạng thái và NHNN vẫn giữ vai trò điều tiết thị trường vàng. Nghĩa là nhu cầu vàng còn thì NHNN tiếp tục bán vàng thông qua đấu thầu. Một khi thị trường vàng không còn các ngân hàng thương mại tham gia thì các nhà đầu tư cũng sẽ rút lui, vì biến động giá vàng quá lớn, không ai dám mạo hiểm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 2-7, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Đá quý Kim hoàn TP.HCM, nói rằng chắc chắn sắp tới giá vàng trong nước sẽ hạ nhiệt. “Cứ nhìn vào con số 100 tấn vàng các ngân hàng thương mại đã mua để đóng trạng thái cho thấy cầu vàng những ngày tới tụt dốc. Thị trường nào cũng vậy thôi, đều vận hành theo nguyên lý cung cầu. Một khi cầu giảm thì giá giảm là đương nhiên” - ông phân tích.

Cũng theo ông Dưng thì còn một ẩn số nữa có thể khiến giá vàng biến động là thói quen tích trữ vàng của người dân nhưng lực mua không đáng kể, đó là dạng tích góp tài sản để phòng thân, ngừa lạm phát.

Dù vậy, chuyên gia tài chính - TS Ngô Trí Long vẫn nhận xét nhu cầu vàng trong dân vẫn nhiều, ngoài mục đích cất giữ như tài sản phòng thân còn để đầu tư vì hiện kênh vàng vẫn nhỉnh hơn so với các kênh đầu tư khác như mặt bằng lãi suất huy động giảm, chứng khoán èo uột….

Ông dự báo với đà giảm của giá vàng thế giới, có thể về mức 1.000 USD/oz, giá vàng trong nước trong thời gian tới sẽ giảm nhưng mức chênh lệch rất khó rút ngắn, nhất là khi NHNN vẫn đấu thầu vàng. “Có thể hết tháng 7 mức chênh lệch giá vàng sẽ dao động trong khoảng 4 triệu đồng/lượng” - ông Long nói rõ.

5,7 triệu đồng/lượng. Đó là mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khi chốt phiên giao dịch ngày 2-7. Vào buổi chiều, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.262 USD/oz, tăng 5 USD/oz so với buổi sáng. Trong khi đó, giá vàng thị trường trong nước chốt phiên tăng 350.000-600.000 đồng/lượng so với giá giao dịch buổi sáng.