Giải pháp của nợ xấu bị “mắc kẹt”

Huệ Văn - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 là 4,84%. Giới chuyên gia cho rằng quý III vẫn chưa phải là thời điểm tăng trưởng mạnh của tín dụng, do vậy, hệ thống ngân hàng sẽ còn phải “đau đầu” với xu hướng tăng của nợ xấu.

Giải pháp của nợ xấu bị “mắc kẹt”
Tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6 là 4,84%. Nguồn: internet

Trên thực tế, vấn đề nợ xấu và giải pháp mà VAMC đang bị mắc kẹt, cần phải giải quyết, trong đó, có một nguyên nhân liên quan đến tỷ lệ giá trị nợ xấu được bán. Theo nguồn tin của Thời báo Kinh Doanh, hiện VAMC và các ngân hàng đang thảo luận để nâng tỷ lệ giá trị nợ xấu bán cho VAMC được dùng để vay tái cấp vốn và giảm tỷ lệ trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Tuy nhiên, NHNN sẽ không dễ có nhiều thay đổi ở những vấn đề này vì còn phải dựa trên các quy định hiện hành. Nhưng có lẽ NHNN sẽ cố gắng tìm giải pháp.

Ngân hàng lo dọn dẹp

Trong các báo cáo hàng tháng mà các ngân hàng thương mại (NHTM) gửi NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 6 là 4,84%. Sau nửa năm tỷ lệ nợ xấu giảm khá là trùng hợp với giai đoạn VAMC tích cực mua nợ xấu và sự tăng vọt của tăng trưởng tín dụng vào cuối năm 2013. Số liệu mới đây thể hiện tỷ lệ nợ xấu cao quay đầu tăng mạnh từ quý II/2014.

Có 3 lý do khiến nợ xấu tăng lên, đó là quy định về phân loại nợ khó hơn sau khi áp dụng Thông tư 02 và Thông tư 09; kèm theo đó tăng trưởng tín dụng chậm và tiến độ mua nợ xấu của VAMC chậm trong nửa đầu năm. Việc này có thể kéo dài cho đến hết quý III vì các yếu tố này tiếp  tục làm gia tăng tỷ lệ nợ xấu.

Theo quy định của Thông tư 02 và Thông tư 09, các ngân hàng phải tính trái phiếu DN; nợ liên ngân hàng và ủy thác đầu tư là 1 phần của tổng dư nợ tín dụng và phân loại ở bảng phân loại nợ hiện hành.

Theo ước tính của CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC), trái phiếu DN do các ngân hàng nắm giữ là khoảng 120.000 tỷ đồng, tương đương bằng khoảng 3,33% tổng dư nợ là 3.599.390 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2014. “Khó có thể tính chính xác mức độ ủy thác đầu tư của các ngân hàng, tuy nhiên chúng tôi ước tính các khoản ủy thác đầu tư vào khoảng 40.000 - 60.000 tỷ đồng. Do vậy, khi các ngân hàng lần đầu tiên phân loại các loại tài sản trên đây thì tỷ lệ nợ xấu sẽ có xu hướng tăng trong ngắn hạn”, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc điều hành - Phụ trách nghiên cứu, HSC, bình luận.

Tuy nhiên, tác động làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng một phần đáng kể do nợ tái cơ cấu là nợ xấu và phải xem xét phân loại khách hàng vay theo hệ thống phân loại tập trung của Trung tâm thông tin tín dụng dựa trên thông tin thu thập từ tất cả các ngân hàng (sẽ áp dụng từ ngày 31/3/2015, khi toàn bộ các nội dung của Thông tư 02 có hiệu lực).

Để tuân thủ các quy định mới, các ngân hàng sẽ phải bắt đầu xem xét nợ tái cơ cấu của mình để xem khách hàng có đáp ứng các điều kiện để được tái cơ cấu nợ hay không. Nếu trong trường hợp bị coi là không đáp ứng thì các ngân hàng có thể tái cơ cấu nợ thêm một lần nữa mà chưa giảm mức phân loại trước thời hạn 31/3/2015.

Bởi vậy, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, bất chấp ảnh hưởng đến lợi nhuận. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, thời gian qua nhiều ngân hàng xin được tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Giải pháp VAMC gặp khó

Cùng với việc trích lập dự phòng, nhiều ngân hàng đã mạnh tay bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, việc mua nợ chưa đẩy mạnh được như kỳ vọng. Trong 6 tháng đầu năm, VAMC chỉ mua 12.800 tỷ đồng nợ xấu (trong quý IV/2013 là 39.000 tỷ đồng).

Về phía VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết công ty đang mua nợ xấu theo kế hoạch. Tuy nhiên, ông Hùng rất ngạc nhiên khi ngân hàng bán nợ cho VAMC ít vậy.

Về phía ngân hàng, việc bán nợ cho VAMC không phải đơn giản bởi điều kiện mua nợ khá ngặt nghèo. Ví như quy định phải trích lập dự phòng cho 20% giá trị TPĐB là một điều kiện khó đối với các ngân hàng quy mô nhỏ và trung bình. Do vậy, một số ngân hàng đã yêu cầu giảm tỷ lệ trích lập dự phòng xuống còn 5% và chỉ được dùng tối đa 70% giá trị khoản nợ xấu bán cho VAMC khi dùng TPĐB vay vốn tái cấp vốn.

Nhiều ngân hàng cho rằng tỷ lệ 70% là thấp, đặc biệt là khi tỷ lệ này còn được quyết định tùy từng trường hợp. Điều này cho thấy vì lý do cẩn trọng thì tỷ lệ này đối với các ngân hàng nhỏ có lẽ còn thấp hơn nhiều mức 70%. Việc này cũng giải thích tại sao cho đến nay chỉ rất ít TCTD có thể sử dụng TPĐB làm tài sản bảo đảm để xin vay vốn tái cấp vốn.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính khiến VAMC mua được ít nợ xấu trong 6 tháng đầu năm là do nợ xấu có chất lượng tương đối cao đã bán hết cho VAMC và giờ chỉ còn lại nợ xấu với chất lượng thấp hơn. Điều này có nghĩa là quá trình tìm nợ xấu phù hợp để mua của VAMC sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, hiện VAMC không có áp lực phải ngay lập tức mua nhiều nợ xấu, mà ở góc độ nào đó, công ty này đang tập trung chuẩn bị để tái cơ cấu hoặc bán nợ xấu đã mua.Ngoài ra, để bán được nợ cho VAMC, các ngân hàng đang phải chuẩn bị hồ sơ pháp lý để bán tiếp nợ xấu và sự phê duyệt phát hành TPĐB của NHNN diễn ra chậm.

Theo HSC, mục tiêu đến cuối năm của VAMC là mua tổng cộng 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu.  Theo đó VAMC có thể sẽ phải mua 18.200 - 48.200 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm (tương đương 0,5 - 1,33% tổng dư nợ trong hệ thống ngân hàng). Như vậy nếu VAMC chỉ hoàn thành được 2/3 mục tiêu đề ra thì điều này cũng ảnh hưởng nhất định làm giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trong quý IV.