Giải pháp hạn chế thao túng giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, thời gian qua hoạt động thao túng giá cổ phiếu niêm yết cũng ngày càng có những diễn biến phức tạp. Điểu này không chỉ tác động xấu đến thị trường chứng khoán nói chung, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư. Để hạn chế hoạt động này cần sự phối hợp của các bên tham gia thị trường để đảm bảo tính minh bạch của thị trường, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư. Đánh giá thực trạng thao túng giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp hạn chế tình trạng này.

Hoạt động thao túng giá cổ phiếu niêm yết tại TTCK Việt Nam bị phát hiện và xử phạt có dấu hiệu gia tăng.
Hoạt động thao túng giá cổ phiếu niêm yết tại TTCK Việt Nam bị phát hiện và xử phạt có dấu hiệu gia tăng.

Thực trạng thao túng giá cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam

Cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tập trung giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Thống kê cho thấy, tính đến ngày 30/4/2019, có 375 cổ phiếu niêm yết tại HoSE và 377 cổ phiếu niêm yết tại HNX. Trong thời gian qua, hoạt động thao túng giá cổ phiếu niêm yết tại TTCK Việt Nam bị phát hiện và xử phạt có dấu hiệu gia tăng về số vụ và ngày càng đa dạng về cách thức, đối tượng tham gia. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về số vụ thao túng: Trong giai đoạn từ năm 2010 đến cuối tháng 4/2019, có 43 trường hợp thao túng giá cổ phiếu niêm yết đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, 2018 là năm kỷ lục với 8 vụ thao túng giá cổ phiếu niêm yết bị phạt vi phạm hành chính. Một số cổ phiếu bị thao túng nhiều lần trong nhiều năm khác nhau bởi các nhà đầu tư cá nhân. Các trường hợp thao túng giá cổ phiếu có thể đề cập tới như: Thao túng giá cổ phiếu SPI (Công ty Cổ phần Đá Spilít) bị xử phạt năm 2013 và 2017; thao túng giá cổ phiếu NHP (Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu NHP) bị xử phạt năm 2016 và 2017; thao túng giá cổ phiếu AMV (Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ) bị xử phạt năm 2010 và 2019.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính do thao túng giá cổ phiếu niêm yết trong giai đoạn 2010 đến cuối tháng 4/2019 là hơn 31,344 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm cả số thu lợi bất chính của 4 trường hợp thao túng giá cổ phiếu BGM (Công ty Cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Bắc Giang), HHS (Công ty Cổ phần Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy) vào năm 2013; thao túng giá cổ phiếu SPI, cổ phiếu IBC (Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings) lần lượt vào các năm 2017, 2018. Trong đó, đáng kể nhất là trường hợp thao túng giá cổ phiếu SPI của nhà đầu tư Đỗ Thị Cẩm Thúy với số lợi bất chính phải nộp là trên 9,281 tỷ đồng.

Ngoài các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính, có 2 trường hợp thao túng giá cổ phiếu DVD (Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông) và cổ phiếu CDO (Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị) đã bị xử lý hình sự lần lượt vào các năm 2010, 2017 và 1 trường hợp thao túng giá cổ phiếu KSA (Công ty Cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận) đang bị khởi tố và điều tra hình sự trong năm 2019.

Thứ hai, về cách thức thao túng: Các vụ thao túng giá cổ phiếu niêm yết đều do các cá nhân thực hiện với các cách thức chủ yếu là sự kết hợp của một trong các hành vi sau: Sử dụng 1 hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác liên tục mua, bán cổ phiếu niêm yết; Thông đồng trong giao dịch cổ phiếu niêm yết; Giao dịch cổ phiếu niêm yết bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán cổ phiếu niêm yết.

Phân tích cho thấy, số lượng tài khoản được các cá nhân sử dụng trong thao túng giá cổ phiếu niêm yết ngày càng gia tăng trong các năm gần đây. Điển hình là vụ thao túng giá cổ phiếu CDO đã bị xử lý hình sự, các đối tượng thao túng đã sử dụng tới 70 tài khoản mở tại 24 công ty chứng khoán, đứng tên hơn 40 cá nhân có liên quan để giao dịch trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến đầu năm 2017.

Giải pháp hạn chế thao túng giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán - Ảnh 1

Ngoài ra, trong trường hợp DVD và KSA, các đối tượng thao túng còn lợi dụng những hoạt động công bố thông tin để đưa thông tin sai lệch về tình hình tài chính của công ty trong quá trình thao túng. Đến tháng 4/2019, cả 2 mã cổ phiếu DVD, KSA đều đã bị bắt buộc hủy niêm yết tại HSX do vi phạm liên tục về hoạt động công bố thông tin.

Thứ ba, về đối tượng tham gia thao túng: Phần lớn các vụ thao túng đều do một hoặc một nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường thực hiện. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, còn có sự tham gia thao túng của các đối tượng mới với tính chất và mức độ nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại nặng nề cho các cổ đông, các ngân hàng, các công ty chứng khoán có liên quan. Đối tượng chủ mưu trong vụ thao túng giá cổ phiếu CDO bị xử phạt năm 2017 là Nguyễn Vân Giang, nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (chi nhánh Hà Nội) và các đồng phạm là các nhân viên và môi giới làm việc tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau. Đối tượng chủ mưu trong vụ thao túng giá cổ phiếu SPI bị xử phạt năm 2017 là Đỗ Thị Cẩm Thúy, cựu Chủ tịch HĐQT của Công ty. Hay mới đây nhất là vụ thao túng giá cổ phiếu KSA đang bị xử lý hình sự năm 2019, đối tượng thao túng là Phạm Thị Hinh, nguyên Chủ tịch HĐQT của Công ty…

Giải pháp hạn chế thao túng giá cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán - Ảnh 2

Giải pháp hạn chế thao túng giá cổ phiếu niêm yết

Để hạn chế tình trạng thao túng giá cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp sau:

Đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

- Hoàn thiện khung pháp lý về thanh tra, giám sát và xử phạt sai phạm liên quan đến thao túng giá cổ phiếu niêm yết. Đa số các trường hợp thao túng giá cổ phiếu niêm yết đều xuất hiện nhiều tài khoản của nhiều cá nhân liên quan đến đối tượng bị xử phạt, tuy nhiên lại không có chế tài xử phạt các chủ thể liên quan này. Do đó, cần bổ sung chế tài xử phạt về thao túng đối với các tổ chức, cá nhân cho mượn hoặc vô ý để đối tượng thao túng sử dụng tài khoản nhằm tăng cường tính răn đe.

Điểm đáng chú ý là khoảng thời gian từ lúc kết thúc hành vi thao túng đến lúc bị xử phạt là khá lâu. Nhanh nhất là phát hiện vụ thao túng giá cổ phiếu HHC (Công ty cổ phần Bê tông Hòa Cầm - Intimex) vào năm 2010, UBCKNN cũng cần tới 54 ngày để xử phạt vụ thao túng. Vụ thao túng giá cổ phiếu CMI (Công ty cổ phần CMISTONE) vào năm 2015 cần tới 716 ngày để xử phạt. Thực tế trên cho thấy, khó khăn của UBCKNN trong công tác thanh tra, giám sát các giao dịch thao túng. Nhằm khắc phục, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) năm 2019 đã bổ sung những quy định tăng cường thẩm quyền của thanh tra UBCKNN để phòng ngừa, phát hiện và xử lý sớm hành vi thao túng giá cổ phiếu niêm yết. Đây là những quy định thiết thực để hạn chế hoạt động thao túng giá cổ phiếu niêm yết tại TTCK Việt Nam.

- Nâng cao trình độ của đội ngũ thanh tra cả về năng lực chuyên môn, cũng như các kỹ năng cần thiết về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp để đáp ứng yêu hội nhập ngày càng cao của Việt Nam vào môi trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát, phát hiện các sai phạm liên quan đến thao túng giá cổ phiếu niêm yết của đa dạng các đối tượng nhà đầu tư.

- Tăng cường phối hợp với các bên liên quan trong hoạt động giám sát, phát hiện các giao dịch bất thường liên quan đến thao túng giá cổ phiếu niêm yết. UBCKNN cần tăng cường phối hợp với các cơ quan công an, các cơ quan chức năng khác trong đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời đối tượng thao túng giá cổ phiếu niêm yết.

Tăng cường phối hợp giữa các Sở Giao dịch chứng khoán, các tổ chức kinh doanh và đầu tư chứng khoán trong hoạt động giám sát các giao dịch bất thường; Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức phát hiện sai phạm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động thao túng.

Tăng cường sự phối hợp giữa các công ty niêm yết để kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến các giao dịch bất thường của công ty; Tổ chức các buổi tập huấn đến ban giám đốc, bộ phận quan hệ nhà đầu tư, bộ phận đầu tư… để nâng cao kiến thức liên quan đến hoạt động giao dịch cổ phiếu niêm yết, công bố thông tin, hạn chế trường hợp bị các đối tượng trong và ngoài công ty lợi dụng để thao túng giá cổ phiếu.

Đối với các công ty cổ phần có cổ phiếu niêm yết

Có trách nhiệm, có đạo đức bằng cách xây dựng quy chế quản trị công ty hiệu quả và có những biện pháp giám sát việc tuân thủ quản trị công ty, kịp thời ngăn chặn các hành vi sai phạm của hội đồng quản trị, ban giám đốc; Xây dựng bộ phận giám sát thị trường riêng để giám sát chặt chẽ các giao dịch và thông báo kịp thời các bất thường vượt quá khả năng xử lý đến các cơ quan quản lý thị trường, nhằm ngăn chặn tối đa mọi thiệt hại cho nhà đầu tư và công ty.

- Nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Cụ thể là cần xây dựng đội ngũ quan hệ nhà đầu tư có trình độ chuyên môn cao để biên tập và công bố kịp thời các thông tin liên quan đến công ty trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đồng thời, đội ngũ này cũng phải theo dõi sát sao các thông tin liên quan đến công ty để có hướng xử lý thích hợp với các thông tin sai sự thật bị các đối tượng sử dụng để thao túng giá cổ phiếu niêm yết.

Đội ngũ quan hệ nhà đầu tư cũng cần phải xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà môi giới, các nhà giao dịch để kiểm soát được biến động giá cổ phiếu niêm yết, phát hiện các trường hợp giao dịch bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị vốn hóa của công ty.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng mối quan hệ với các cổ đông hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng, kịp thời xử lý các thông tin được các cổ đông phản ánh liên quan đến hoạt động giao dịch cổ phiếu của công ty, đặc biệt là các giao dịch nghi là hành vi thao túng giá cổ phiếu niêm yết.

Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán

- Cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến đầu tư cổ phiếu niêm yết trên TTCK Việt Nam.

- Quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán có trách nhiệm.

Theo đó, chỉ mở một tài khoản tại một tổ chức được phép kinh doanh chứng khoán để giao dịch. Không cho các tổ chức hoặc cá nhân khác sử dụng tài khoản chứng khoán của mình để giao dịch cổ phiếu niêm yết; thường xuyên cập nhật tài khoản giao dịch để phát hiện và xử lý kịp thời các giao dịch bất thường trên tài khoản của nhà đầu tư.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội, Luật Chứng khoán số 70/2006/QH 11, năm 2006;
  2. Quốc hội, Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, năm 2010;
  3. Quốc hội, Luật số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 1999, năm 2009;
  4. Chính phủ, Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, năm 2012;
  5. Chính phủ, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, năm 2013;
  6. Chính phủ, Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 01/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, năm 2016;
  7. Một số trang website: http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/DT_DUTHAO_LUAT/View_Detail.aspx?ItemID=1312&LanID=1313&TabIndex=1; https://www.hsx.vn; http://www.ssc.gov.vn...