Giải pháp phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam

ThS. TRầN THị THANH TÂM - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

Cho vay tiêu dùng là hình thức cho vay rất phổ biến trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, mặc dù chỉ mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây, song tiềm năng phát triển cho vay tiêu dùng là rất lớn. Sự tồn tại và phát triển nào cũng đều có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần nhìn nhận một cách khách quan về thị trường này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam

Cho vay tiêu dùng là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, phân biệt với hoạt động cho vay thương mại nhằm hướng đến mục đích sản xuất, kinh doanh. Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như: Cho vay mua xe, cho vay mua thiết bị gia đình, cho vay theo lương, cho vay qua thẻ tín dụng…

Dịch vụ này phát triển nhằm hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng – đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn, thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay, do không chứng minh được khả năng trả nợ và không có tài sản thế chấp), và giúp cho các kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập. Qua đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng trong xã hội.

Thứ hai, góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Nghĩa là dịch vụ này sẽ giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác ngoài vay tiêu dùng, trong đó bao gồm cả các dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Thứ ba, góp phần làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đang ngày càng gia tăng và biến tướng trong xã hội hiện nay.

Thứ tư, cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia…

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP hiện đạt 6,4%, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng là 5,6%, tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Ước tính, hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính tiêu dùng. Tham gia vào thị trường tín dụng tiêu dùng gồm có hầu hết các ngân hàng thương mại, 6 công ty tài chính tiêu dùng và hầu hết là các công ty 100% vốn nước ngoài.

So với hệ thống tín dụng của các ngân hàng, dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng hiện chưa nhiều, bởi vì các công ty tài chính tiêu dùng hiện đang tập trung khai thác phân khúc khách hàng nhỏ lẻ với những khoản vay có giá trị nhỏ, thậm chí từ vài triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, về lâu dài, chắc chắn tín dụng tiêu dùng từ các công ty tài chính cũng sẽ tăng trưởng không kém gì hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay.

Có thể nói, kênh tín dụng tiêu dùng đã góp phần đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với những sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Quan trọng hơn là thông qua kênh này, xã hội đã dần đẩy lùi được nạn “tín dụng đen” đang hoành hành, kích thích tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh, hợp lý hóa quá trình luân chuyển hàng hóa trên thị trường.

Lợi ích là vậy song nhiều ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn ở mức cao so với mức lãi suất của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, không thể so sánh mức lãi suất sản phẩm cho vay tín chấp tiêu dùng của các công ty tài chính với mức lãi suất các sản phẩm cho vay của ngân hàng thương mại, vì đó là những sản phẩm hoàn toàn khác nhau. Có một số yếu tố đóng góp vào giá của khoản vay tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính và khiến giá của sản phẩm cho vay tiêu dùng cao hơn so với các tổ chức tín dụng, đó là:

Một là, chi phí đầu vào của nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường cao hơn so với chi phí huy động vốn của ngân hàng thương mại. Nguyên nhân là do công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư, cũng như không tận dụng được lợi thế mạng lưới như ngân hàng thương mại.

Hai là, chi phí bù đắp rủi ro của khoản vay, lãi suất sẽ tỷ lệ thuận với rủi ro. Cho vay tiêu dùng tín chấp là một nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín cá nhân được đánh giá bởi tổ chức tín dụng dành cho một khách hàng mà không cần phải thế chấp tài sản. Chính vì vậy, cho vay tiêu dùng tín chấp có rủi ro cao, nên lãi suất phải cao hơn so với cho vay tiêu dùng có tài sản thế chấp của ngân hàng thương mại. Ngay cả ngân hàng thương mại, khi cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng, tức vay không có tài sản thế chấp thì lãi suất cũng khá cao, từ 18-20%/năm.

Ba là, giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn (khoảng từ 6-8 tháng, thậm chí 4-5 tháng) dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ tính trung bình trên một đơn vị vốn vay là cao hơn bình thường.

Vay tiêu dùng tín chấp lãi suất cao hơn vay thế chấp là điều đương nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển cũng vậy. Đó là xu hướng tài chính cá nhân hiện đại, tự bản thân nó sẽ điều chỉnh để phù hợp với thị trường, do đó, chúng ta cần có cái nhìn khách quan về vấn đề này.

Giải pháp phát triển dịch vụ vay tiêu dùng hiệu quả

Đúng là mức lãi suất cao hiện vẫn là một vấn đề gây ra nhiều lo ngại đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, song theo nhận định của giới chuyên gia, khó có thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này. Sự phát triển này không chỉ mở rộng về quy mô dư nợ cho vay, mà tính chất phức tạp của thị trường cũng sẽ tăng theo, cùng với sự xuất hiện của các sản phẩm mới như: Các khoản cho vay theo lương, hoạt động cho vay đồng cấp - những sản phẩm hiện đã được phát triển mạnh ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Hiện các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này đang rất nỗ lực để có thể quản lý hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng với hai mục tiêu chính, đó là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùngphát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mọi người dân.

Tuy nhiên, để thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo kịp với sự phát triển của thị trường thế giới, cần phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng, để tạo nền tảng cho hệ thống ngân hàng thương mại và các công ty tài chính hoạt động, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Nếu lãi suất cho vay tiêu dùng giảm thấp hơn chắc chắn cũng sẽ thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng khách hàng. Và vấn đề này cũng chỉ có thể được giải quyết triệt để, khi khâu pháp lý được kiện toàn và thị trường thực sự khởi sắc hơn.

Bên cạnh đó, cần phải có thêm thời gian để nâng cao hơn nữa nhận thức cho người dân về dịch vụ tài chính tiêu dùng. Để làm tốt công tác này, cơ quan chức năng cần phải triển khai các chiến dịch tư vấn tốt cả trước, trong và sau quá trình khách hàng sử dụng dịch vụ. Bởi vì, thay đổi thói quen của người dân không chỉ trong một sớm một chiều mà làm được, hiện nay vẫn còn không ít người dân có thói quen chưa tìm hiểu tường tận các quy định cho vay tiêu dùng, nghĩa vụ và ý thức trả nợ lại kém, dẫn đến những mâu thuẫn, gây nên những cách nhìn không hay về dịch vụ cho vay tiêu dùng.