Giải pháp tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế của thị trường chứng khoán Việt Nam

Trương Thị Thùy Dương - Học viện Ngân hàng

Năm 2017, công tác hội nhập quốc tế của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được nhiều bước tiến tích cực. Năm 2018 và các năm tiếp theo, thị trường chứng khoán tiếp tục định hướng chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, do vậy các hoạt động hợp tác quốc tế, một mặt, cần nâng tầm hình ảnh và thúc đẩy sự hiện diện của thị trường chứng khoán Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác, cần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường theo định hướng phát triển chung của nền kinh tế và của ngành Tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những bước tiến tích cực

Trong những năm qua, tiến trình hội nhập quốc tế đã đạt nhiều kết quả tích cực, giúp ngành Chứng khoán Việt Nam hiện diện ngày một rõ nét hơn trên bản đồ chứng khoán thế giới. Bước tiến hội nhập này vừa đưa bạn bè quốc tế đến Việt Nam, vừa giúp hình ảnh thị trường chứng khoán (TTCK) và doanh nghiệp (DN) Việt Nam vươn tầm thế giới.

Trong năm 2017, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tiếp tục chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác theo chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả thực tiễn của các hoạt động hợp tác quốc tế. Nhờ đó, nhiều dự án hợp tác song phương và đa phương đã được hình thành và triển khai, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển chung của ngành Chứng khoán.

Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: Dự án VIE032 “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính”, do chính phủ Luxembourg tài trợ, với các chương trình đào tạo nâng cao năng lực về chứng khoán phái sinh (CKPS), quản trị công ty, các hoạt động tăng cường kết nối trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, hay Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực quản trị công ty” của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) dành cho UBCKNN.

Cũng trong năm 2017, UBCKNN đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp nhân dịp chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam tại Nhật Bản vào tháng 8/2017. Hội nghị đã tạo ra một kênh đối thoại cởi mở giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản hiểu rõ tình hình TTCK Việt Nam, cũng như chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam, nhất là củng cố niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam.

Năm 2017, đánh dấu 20 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó thành tựu quan trọng mà TTCK Việt Nam đạt được kể từ khi tham gia WTO là sự gia tăng đáng kể của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, TTCK Việt Nam.

Theo đó, tổng  giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đạt khoảng 1,85 tỷ USD trong năm 2017, ước tăng 6,5 lần so với năm 2016. Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chứng khoán, các tập đoàn tài chính lớn góp phần chuyên nghiệp hóa TTCK Việt Nam. Từ đó, tăng cường kinh nghiệm và nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty, khả năng phân tích, đầu tư cho các DN trong nước.

Có được những thành quả đó là nhờ bối cảnh trong và ngoài nước thuận lợi, đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai. Các chủ trương chính sách của Bộ Tài chính, UBCKNN hướng tới phát triển một TTCK chuyên nghiệp, ổn định, minh bạch và toàn vẹn, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.

Các hoạt động hợp tác quốc tế của UBCKNN cũng được thực hiện trên cơ sở kim chỉ nam này. Những năm qua, UBCKNN luôn tích cực tham gia hoạt động trong khuôn khổ các diễn đàn, các tổ chức hợp tác quốc tế về chứng khoán như: Diễn đàn các thị trường vốn ASEAN hay Tổ chức quốc tế các Cơ quan quản lý chứng khoán… Các diễn đàn và tổ chức này đều xây dựng những bộ quy tắc và chuẩn mực cho các thành viên.

Theo đó, UBCKNN nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải thiện hành lang pháp lý và tăng cường năng lực cho thị trường nhằm tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc này. Thông qua tham gia các diễn đàn quốc tế, UBCKNN có cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giám sát, quản lý thị trường, giúp TTCK hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn. 

Theo UBCKNN, với điều kiện TTCK Việt Nam còn không ít hạn chế về năng lực cũng như nguồn lực phát triển, hợp tác quốc tế chính là cầu nối, góp phần hiện thực hóa các chủ trương chính sách của UBCKNN thông qua các hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Điển hình, để cải thiện chất lượng quản trị công ty trên TTCK, UBCKNN đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế như: IFC, ADB để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của quản trị công ty tốt; đồng thời, từng bước thể chế hóa, tạo cơ sở pháp lý cho áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, tăng cường tính minh bạch thông tin trên TTCK, bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Nỗ lực nâng hạng thị trường

Để góp phần đưa TTCK Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế và khu vực, qua đó gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường, một trong những trọng tâm mà UBCKNN triển khai trong thời gian qua là nâng hạng TTCK từ “cận biên” lên “mới nổi”. Việc nâng hạng thị trường không chỉ góp phần nâng cao hình ảnh cho thị trường tài chính quốc gia mà còn tác động trực tiếp đến khả năng thu hút dòng vốn nước ngoài vào TTCK. Do đó, UBCKNN luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển TTCK giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở Quyết định số 77/QĐ-UBCK của Chủ tịch UBCKNN ban hành lộ trình các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam, UBCKNN đã triển khai công tác nghiên cứu khả thi nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành. Khối lượng dữ liệu lớn, cơ sở pháp lý cho việc tổng hợp dữ liệu một cách đồng bộ, nhất quán còn thiếu dẫn đến tiến độ thực hiện còn hạn chế.

Trong năm 2018, trên cơ sở đánh giá các hoạt động đã triển khai trong năm 2017, UBCKNN tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của Tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư trên toàn thế giới (MSCI), để nâng hạng TTCK. 

Cùng với các nỗ lực của UBCKNN và Bộ Tài chính, việc nâng hạng TTCK Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều bộ, ngành như Ngân hàng Nhà nước... sự ủng hộ của Chính phủ cũng như của các thành viên thị trường. Đây là con đường quan trọng đưa Việt Nam hội nhập sâu vào sân chơi khu vực và thế giới. Theo phân loại của Tổ chức Morgan Stanley Capital International (MSCI), rào cản lớn nhất của TTCK Việt Nam là ở vị thế cận biên, thị trường sơ khai có độ rủi ro cao. Do đó, khả năng phân bổ vốn đầu tư của các tổ chức đầu tư quốc tế vào Việt Nam chiếm tỷ lệ nhỏ.

Bên cạnh đó, TTCK trong nước có quy mô khiêm tốn so với các thị trường khu vực và thế giới, dẫn tới sự khiêm tốn về thanh khoản, ảnh hưởng tới việc giải ngân của các tổ chức đầu tư lớn. Do đó, việc nâng hạng TTCK sẽ tạo niềm tin cho các tổ chức nước ngoài, giúp thu hút nguồn vốn nước ngoài, cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới, bởi việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng trên thế giới như: MSCI, FTSE Russell hay S&P Dow Jones đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.

Nhìn chung, các tiêu chí định lượng không phải là trở ngại lớn với Việt Nam, vì hiện đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện và dự kiến sẽ có thêm nhiều cổ phiếu đạt yêu cầu trong thời gian tới. Nhóm tiêu chí định tính là rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Ngoài ra, việc đánh giá của MSCI về cơ bản dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính, nên việc áp dụng các chính sách, giải pháp của cơ quan quản lý mới chỉ là một yếu tố, không đảm bảo TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng.

UBCKNN hiện đã và đang tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam gồm:

Một là, giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng. Đây là nội dung được nhiều tổ chức đầu tư quan tâm. Nghị định số 60/2015/NĐ-CP được ban hành thời gian qua đã tháo gỡ một phần vướng mắc về room sở hữu của nhà đầu tư tư nước ngoài, qua đó tạo niềm tin cho họ về cam kết mở cửa, hội nhập kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai vẫn còn một số vướng mắc, đặc biệt đối với những doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành nghề có điều kiện. UBCKNN đang xem xét để trình cấp có thẩm quyền về sửa đổi một số quy định pháp lý để tháo gỡ vấn đề này.

Hai là, tăng cường tính công khai, minh bạch trên TTCK, đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài. Công việc trọng tâm là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và tăng cường năng lực thực thi về quản trị công ty, tăng cường thanh tra giám sát và xử lý vi phạm nhằm nâng cao kỷ luật và lòng tin của nhà đầu tư, khuyến khích công ty đại chúng có trang website hoặc công bố thông tin bằng tiếng Anh; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tập trung về các công ty đại chúng....

Ba là, tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư trên TTCK.

UBCKNN cũng nghiên cứu giải pháp để tháo gỡ các yêu cầu về khả năng chuyển nhượng, cho vay chứng khoán. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế và hạ tầng của thị trường, đưa ra giải pháp quảng bá, nâng cao hình ảnh về TTCK Việt Nam.

TTCK phái sinh ra đời đã giúp TTCK Việt Nam có một cơ cấu hoàn chỉnh hơn, bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro, thúc đẩy thị trường vốn hội nhập, liên kết với thị trường vốn trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, sản phẩm mới như Chứng quyền có bảo đảm dự kiến ra mắt trong thời gian tới cũng được kỳ vọng tạo ra sức phát triển mới cho TTCK.

UBCKNN đã và đang xây dựng Đề án tái cấu trúc hệ thống tổ chức thị trường giao dịch qua việc hợp nhất các Sở giao dịch chứng khoán nhằm nâng cao thanh khoản, quy mô thị trường, năng lực hạ tầng công nghệ, giảm chi phí giao dịch... để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chủ động hội nhập quốc tế, chuyển đổi định hướng phát triển

Sắp tới, TTCK Việt Nam tiếp tục định hướng chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu. Các hoạt động hợp tác quốc tế, một mặt, cần nâng tầm hình ảnh và thúc đẩy sự hiện diện của TTCK Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác, cần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của thị trường theo định hướng phát triển chung của nền kinh tế và của ngành Tài chính. Theo đó, trong năm 2018, hoạt động hợp tác quốc tế của UBCKNN còn tập trung vào một số nội dung sau:

Tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế. UBCKNN tiếp tục tham gia tích cực các sáng kiến trong khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN, ASEAN và các đối tác, tiểu vùng sông Mê Công, APEC… Năm 2018, UBCKNN cũng đăng cai tổ chức Hội nghị các cơ quan quản lý thị trường vốn khu vực ASEAN. Đây là cơ hội để quảng bá TTCK Việt Nam, đồng thời cũng là cơ hội để kết nối doanh nghiệp với cơ quan quản lý TTCK các nước trong khu vực.

Tiếp đến là tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tiếp nối thành công của các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài trong các năm trước, năm 2018, UBCKNN tiếp tục triển khai xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Cuối cùng là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác như Luxembourg, Đức, Nhật… cũng như các dự án hợp tác đa phương với các tổ chức quốc tế như ADB, IFC, WB nhằm hỗ trợ tích cực các mục tiêu phát triển TTCK, góp phần xây dựng TTCK hoạt động ổn định, minh bạch, lành mạnh.      

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;

2. Quyết định số 77/QĐ-UBCK của Chủ tịch UBCKNN ban hành Lộ trình triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam;

3. Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;

4. Các website: nfsc.gov.vn, mof.govvn, ssc.gov.vn, tinnhanhchungkhoan.vn…