Giải pháp thúc đẩy ngành Quản lý quỹ phát triển trong năm 2013 (*)

Công ty TNHH quản lý quỹ SSI

(Tài chính) Năm 2013 được dự đoán tiếp tục là một năm khó khăn đối với thị trường chứng khoán do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ vẫn rất khó khăn. Phần lớn các nhà đầu tư sẽ lựa chọn đứng ngoài thị trường để quan sát hoặc tham gia đầu tư nhưng với mức độ chấp nhận rủi ro thấp. Vì vậy, ngành Quản lý quỹ sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm cả các khó khăn thách thức của năm 2012.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Hướng đi nào?

Trong bối cảnh này, năm 2013 ngành Quản lý quỹ Việt Nam sẽ định hướng phát triển theo các xu hướng sau đây:

Thứ nhất, các quản lý quỹ sẽ đa dạng hóa các sản phẩm quỹ đầu tư và các sản phẩm quản lý danh mục đầu tư như quỹ mở, quỹ hưu trí, quỹ hoán đổi danh mục, quản lý tài sản cá nhân, các sản phẩm đầu tư có mức độ rủi ro thấp… Các sản phẩm này sẽ không chỉ đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của nhà đầu tư mà còn phải đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển dần đầu tư trực tiếp sang đầu tư thông qua công ty quản lý quỹ.

Thứ hai, các công ty quản lý quỹ sẽ tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư lên kế hoạch tài chính, chiến lược đầu tư, quản lý hậu đầu tư, đào tạo nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư giúp nhà đầu tư tiếp cận đầy đủ các thông tin về thị trường, về các sản phẩm đầu tư phù hợp với tình hình tài chính và điều kiện của mỗi nhà đầu tư.

Bên cạnh việc huy động vốn từ nước ngoài, các công ty quản lý quỹ sẽ tập trung hơn vào thị trường nội địa, nơi mà vẫn còn nhiều tiềm năng để các công ty có thể huy động quỹ, phát triển các sản phẩm mà các công ty quản lý quỹ từ trước đến nay vẫn chưa tập trung phát triển như nghiệp vụ quản lý tài sản cá nhân (private wealth management).

Một số kiến nghị

Dựa trên các đánh giá và nhận định về xu hướng phát triển ngành Quản lý quỹ Việt Nam trong năm 2013, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát triển ngành Quản lý quỹ Việt Nam:

Thứ nhất, sớm ban hành các thông tư hướng dẫn các sản phẩm mới như quỹ hưu trí, quỹ hoán đổi danh mục, quỹ bất động sản, công ty đầu tư chứng khoán…

Thứ hai, xem xét ban hành các chính sách ưu đãi về thuế áp dụng đối với các quỹ đầu tư chứng khoán. Theo đó, khuyến khích các nhà đầu tư thông qua các quỹ đầu tư bằng cách áp dụng các mức thuế thấp hơn so với trường hợp họ đầu tư trực tiếp.

Thứ ba, xem xét nới lỏng các hạn chế về tỷ lệ sở hữu của các quỹ đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam; gỡ bỏ các hạn chế về tỷ lệ sở hữu đối với các quỹ thành lập tại Việt Nam có sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên 49%.

Thứ tư, xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh giúp các công ty quản lý quỹ có thể phát triển các sản phẩm quỹ với các chiến lược đầu tư đa dạng hơn, cũng như để các công ty quản lý quỹ và các thành viên thị trường liên quan chủ động hơn trong việc xây dựng và vận hành các sản phẩm quỹ.

Về phía các công ty quản lý quỹ, thay vì thụ động chờ đợi các chuyển biến tích cực hơn của nền kinh tế, các chính sách ưu đãi từ cơ quan quản lý nhà nước, bản thân các ty quản lý quỹ cũng phải tích cực và chủ động nâng cao hiệu quả quản lý tài sản, cung cấp các sản phẩn đầu tư đa dạng, tăng cường tiếp xúc và đào tạo nâng cao nhận thức của nhà đầu tư, đầu tư nhiều hơn và công nghệ, phần mềm quản lý tài sản theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Hy vọng với các nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định nền kinh tế, nỗ lực của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc không ngừng xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm mới, nỗ lực của bản thân ty quản lý quỹ, cùng với việc hiện thực hóa các kiến nghị nêu trên, ngành Quản lý quỹ Việt Nam sẽ sớm việt qua các thách thức, khó khăn hiện tại để phát triển lên một tầm cao mới, đóng vai trò quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

(*) Tít bài do FinancePlus.vn đặt. Bài viết được trích từ tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển Thị trường chứng khoán năm 2013