Giảm áp thị trường vàng?

Theo Đầu tư Tài chính

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục giãn rộng dù ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện 12 phiên đấu thầu vàng miếng. Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang lại chưa được hỗ trợ về nguyên liệu sản xuất. Giải pháp nào cho thị trường vàng lúc này? Đầu tư Tài chính giới thiệu ý kiến của ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB).

Giảm áp thị trường vàng?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thời khó kinh doanh vàng

Hiện nay, để dự báo giá vàng rất khó vì còn phụ thuộc vào giá thế giới và nước ta là nước nhập khẩu vàng. Trên thế giới tuy giá vàng biến động nhưng giới kinh doanh, đầu tư vàng có thể dự đoán thông qua chính sách của các sàn giao dịch vàng.

Đơn cử, trên sàn giao dịch vàng Chicago sẵn sàng tăng tỷ lệ ký quỹ kinh doanh vàng lên 19% sau ngày 16/4 vừa qua, khi giá vàng biến động quá 5% trong ngày mà hoàn toàn không có chuyện ngưng hay cấm giao dịch.

Nếu trước đây lực cung vàng đến từ nhiều thành phần tham gia thị trường, do đó giá vàng và xu hướng giá thường ít biến động, kể cả có lúc giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới do các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nữ trang ào ạt.

Giá vàng trong nước luôn tìm được điểm quân bình (equilibrium). Nhưng hiện nay, sau Nghị định 24/2012 và đặc biệt sau Quyết định 06/2013 (hiệu lực từ 5/3/2013) giá vàng tập trung từ 1 nguồn cung (Sở giao dịch NHNN), do đó thị trường vàng thật sự khó dự báo.

Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vàng nhỏ bất lợi về thông tin và dễ thua lỗ khi giao dịch, các doanh nghiệp kinh doanh nữ trang hiện nay khó hình thành được những thương hiệu lâu bền, dài hạn. Tính chụp giựt, thậm chí cả lừa đảo hình thành, tình trạng bất chấp luật pháp như hàng giả, hàng nhái diễn ra phổ biến.

Còn nhiều bất ổn

Các nước trên thế giới không giữ vàng vật chất mà chủ yếu giữ vàng bằng tài khoản hay còn gọi là vàng giấy, xem đây là phương tiện đầu tư. Còn ở nước ta, người dân vẫn còn giữ vàng vật chất. Sở dĩ, tổ chức và cá nhân vẫn giữ vàng do lạm phát mức cao luôn ám ảnh.

Trong khi đó, các sản phẩm tài chính khác để bảo toàn vốn như chứng khoán, công cụ phái sinh chưa phát triển, thiếu minh bạch, chưa tiếp cận khu vực nông thôn vốn chiếm hơn 60% dân số nên nguồn cầu vàng vật chất tương đối lớn. Đồng thời, truyền thống giữ vàng làm của, thừa kế, hồi môn bằng vàng còn tồn tại.

Có thể thấy, kinh doanh vàng vật chất (vàng miếng) thật sự đã hút lượng lớn của cải vật chất xã hội (theo tính toán vài chục tỷ USD), không sinh lợi, làm mất an ninh xã hội (như vụ cướp tiệm vàng Bắc Giang).

Qua 11 phiên đấu thầu có hơn 12 tấn vàng miếng tung vào lưu thông, nhưng chủ trương chống vàng hóa xem ra khó khả thi. Mức chênh lệch giá vàng siêu lớn từ năm 2012 cho đến nay, có lúc gần 7 triệu đồng/lượng (trung tuần tháng 4/2013), tạo cơ hội cho lượng vàng vật chất không nhỏ nhập lậu về cho ngành sản xuất nữ trang và mua sắm nhỏ, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Thực hiện các quy định về quản lý thị trường vàng, từ hơn 12.000 doanh nghiệp, hiện nay chỉ còn 1/3 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang phải chuyển hướng: kinh doanh vàng nhẫn 9999, cầm đồ, kinh doanh địa ốc...

Quy định tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, các doanh nghiệp được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ được xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức.

Đổi mới cơ chế quản lý

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) vừa có văn bản gửi Thống đốc NHNN kiến nghị cho doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nhập khẩu vàng nguyên liệu, cho vay vốn mua vàng nguyên liệu.

Có thể thấy, kinh doanh vàng nữ trang, trang sức rất cần được khuyến khích theo hướng tạo nguồn nguyên liệu bền vững bằng tín dụng vay nguyên liệu bán thành phẩm (có ký quỹ đảm bảo), qua đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng tuổi vàng.

NHNN có thể khuyến khích một số ngân hàng thương mại (NHTM) tạo nguồn nguyên liệu khi giá xuống thấp như thời gian qua. Đồng thời, cũng cần khuyến khích trung tâm tạo mẫu, đơn giản hóa thủ tục đăng ký bản quyền, bằng sáng chế, đầu tư công nghệ đúc, khuôn mẫu, thiết kế... tạo giá trị gia tăng cao cho công nghiệp kim hoàn. NHNN tỉnh, thành cần kết hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng thường xuyên thông tin công khai trang mạng về sản phẩm, doanh nghiệp làm ăn uy tín, đúng chất lượng.

Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách thuế khuyến khích sản xuất nữ trang có tuổi vàng thấp, đánh thuế cao với nữ trang có tuổi vàng cao. Nếu Nhà nước có cơ chế hỗ trợ sản xuất nữ trang sẽ tạo được công ăn việc làm, gia tăng thu ngoại tệ từ xuất khẩu nữ trang, khai thác tối đa nguồn tài nguyên mỏ đá quý ở nước ta, giảm áp lực kinh doanh vàng miếng...

Về lâu dài cần thành lập sàn vàng quốc gia, bởi sẽ có một số lợi ích: hạn chế được những cơn sốt giá vàng mà không trực tiếp bỏ ngoại tệ nhập khẩu vàng, giảm bớt lệ thuộc vào vàng vật chất và chống vàng hóa.

Với e ngại cho rằng mở sàn vàng dễ dẫn đến đầu tư theo kiểu đánh bạc gây rủi ro nền kinh tế thì sàn vàng có thể khống chế bằng việc nâng tỷ lệ ký quỹ lên 50% thậm chí 100%, sẽ giảm bớt tính chất đầu cơ, người mua bán sẽ cẩn trọng, chỉ có những nhà đầu tư thực sự mới dám mạo hiểm. Tỷ lệ ký quỹ có thể tăng hay giảm tùy vào xu hướng giá của thị trường.

Nếu giá ổn định có hạ tỷ lệ ký quỹ. Kinh doanh vàng tài khoản sẽ hạn chế những cơn sốt vàng do giá sàn vàng đi cùng giá vàng thế giới; hạn chế hiện tượng vàng hóa vì người dân và tổ chức có thể mua vàng tài khoản thay cho vàng miếng cất trữ; tiết kiệm ngoại tệ vì áp lực mua-bán giảm cung một chiều, từng bước hình thành các sàn giao dịch hàng hóa tập trung tại Việt Nam.