Giảm chênh lệch giá vàng nội - ngoại: Viễn cảnh!

Theo Đầu tư Chứng khoán

Những người đầu cơ khi thấy không có “đất” để làm ăn sẽ tạo ra những đợt sóng để trục lợi.

Giảm chênh lệch giá vàng nội - ngoại: Viễn cảnh!
Giá vàng miếng trong nước hiện cao hơn giá vàng thế giới 3,8 triệu đồng/lượng
Đầu tuần này, SJC niêm yết giá vàng mua vào, bán ra ở mức 43,8 - 43,88 triệu đồng/lượng, điều chỉnh giảm 60.000 - 90.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 3,8 triệu đồng/lượng. Thị trường ghi nhận nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc bình ổn thị trường vàng, nhưng vẫn còn những băn khoăn về các nỗ lực đó, bởi chênh lệch giá vàng nội - ngoại vẫn còn khoảng cách rất xa.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nêu quan điểm, có lẽ đang có sự nhầm lẫn trong cách nhìn nhận, bởi NHNN đã tuyên bố rõ, khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, để thực hiện giai đoạn cuối cùng về xóa bỏ “vàng hóa” nền kinh tế, Nhà nước huy động nguồn lực vàng trong nền kinh tế phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, NHNN sẽ tham gia thị trường với vai trò là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng.

Nhìn lại quá trình thiết lập lại trật tự trên thị trường vàng, có lẽ phải bắt đầu từ Nghị định 174/1999/NĐ-CP năm 1999 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với chủ trương chấm dứt tình trạng “vàng hóa”, quản lý chặt chẽ thị trường vàng, tránh tình trạng đầu cơ, làm giá. Theo đó, NHNN đã xây dựng lộ trình gồm ba giai đoạn: xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD); chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua bán vàng miếng. Nhà nước sẽ thực hiện huy động nguồn vốn bằng vàng thông qua việc mua vàng, tăng dự trữ ngoại hối và cung ứng vốn cho nền kinh tế.

“Hiện NHNN đang có những bước đi đúng lộ trình. Lập lại trật tự về cơ chế để thị trường vận hành tốt, còn trong viễn cảnh xa NHNN mới có thể hiện thực hóa mong muốn ổn định về giá. Việc NHNN chưa quan tâm đến giá không ảnh hưởng đến đại bộ phận dân chúng, mà chỉ ảnh hưởng đến những người mua, bán, tích trữ, đầu cơ… Thậm chí, có biến động giá vàng đi chăng nữa cũng không có tác động quá lớn đến kinh tế vĩ mô”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nói.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng thay thế Nghị định 174 với các mục tiêu chính: tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước… Sau khi Nghị định 24 được ban hành, NHNN đã ban hành Thông tư số 12/2012/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN quy định TCTD không được huy động vốn bằng bằng vàng; Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định 24; Quyết định 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN…

TS. Hiếu cho rằng, với các nỗ lực của NHNN, thị trường đang trong giai đoạn chuyển đổi để đi dần vào trật tự và trong trật tự mới đó, giá vàng sẽ tiếp tục biến động mạnh bởi có những lực lượng do bị ảnh hưởng quyền lợi nên sẽ phản ứng lên thị trường. Ví dụ, những người đầu cơ khi thấy không có “đất” để làm ăn, nên sẽ tạo ra những đợt sóng để trục lợi.

“Đó cũng là điều tất yếu trong tiến trình ổn định thị trường. Do vậy, người dân cần nhận thấy rằng, NHNN hiện tại mới đang tìm cách ổn định lại cơ chế trên thị trường vàng mà chưa thể hiện vai trò kiến tạo, mua bán để ổn định về giá”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để thị trường trong nước ổn định và không quá chênh lệch so với giá vàng quốc tế, điều kiện cần là các chính sách quản lý, còn điều kiện đủ là phải ổn định được các yếu tố kinh tế vĩ mô. Chỉ khi có được cả hai điều này, người dân mới hạn chế tìm đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của mình.

Một số mốc chính trong nỗ lực bình ổn thị trường vàng của NHNN từ đầu năm 2013

* Ngày 10/1/2013, 17 TCTD và 14 doanh nghiệp chính thức kinh doanh mua, bán vàng miếng theo giấy phép của NHNN.

* Ngày 6/2, NHNN công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước.

* Ngay trong tuần sát Tết Nguyên đán, các Vụ của NHNN đã thực hiện tạm xuất, tái nhập vàng phi SJC sang SJC thử một lô 100 kg để kiểm tra toàn bộ quy trình thủ tục. Theo đó, vàng không phải thương hiệu SJC đã được xuất ra nước ngoài để chuyển đổi thành vàng khối rồi nhập về. Ước tính, khối lượng vàng các thương hiệu khác chuyển đổi vào khoảng 10 tấn.

* Ngày 26/2, NHNN ký Hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng với SJC.

* Ngày 1/3, NHNN đã tổ chức phiên đấu thầu thử nghiệm mua bán vàng đầu tiên được thực hiện trong nội bộ giữa NHNN và đại diện các Vụ, Cục liên quan.

* Ngày 5/3, NHNN tiếp tục thử nghiệm đấu thầu mua bán vàng miếng với các doanh nghiệp vàng, 52.000 lượng vàng được chào với giá là 43,65 triệu đồng/lượng.

* Dự kiến, tuần sau, NHNN sẽ tiến hành đấu thầu mua bán vàng miếng chính thức với các TCTD, doanh nghiệp kinh doanh vàng.