Giảm để rồi tăng?

Theo Phan Long/thoibaonganhang.vn

VN-Index đã có một phiên giảm mạnh trong ngày 17/1 khi mất hơn 28 điểm, từ 1.062 điểm xuống còn hơn 1.034 điểm. Một phiên giảm gần 30 điểm trong bối cảnh VN-Index đang ở ngưỡng trên 1.000 điểm đã khiến nhiều nhà đầu tư phải căng đầu suy nghĩ.

Trong một chừng mực nào đó, những phiên giảm có tác động hạ nhiệt, không chỉ cho bên mua, mà còn cả cho bên bán. Nguồn: Internet
Trong một chừng mực nào đó, những phiên giảm có tác động hạ nhiệt, không chỉ cho bên mua, mà còn cả cho bên bán. Nguồn: Internet

Kỳ vọng nhiều, biến động lớn

Thông thường, chỉ cần VN-Index giảm trên 10 điểm là tâm lý lo ngại xuất hiện. Mặt khác thì việc VN-Index đã có 11 phiên liên tục nằm trên ngưỡng 1.000 điểm, nên chỉ cần 1 phiên giảm mạnh cũng đủ tạo ra những tác động về mặt tâm lý.

Theo một thói quen, mỗi khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm nguyên nhân mà trong trường hợp này, thông tin về khả năng nâng tỷ lệ ký quỹ (margin) tối thiểu từ 50% lên mức 60% được đem ra lý giải.

Nhưng có một chi tiết cần lưu ý, thông tin này xuất hiện vào buổi chiều ngày 15/1, nên về lý mà nói, sẽ tác động đến thị trường vào ngày 16/1. Nhưng phiên ngày 16/1, mọi diễn biến giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra bình thường. Khó có chuyện nhà đầu tư đợi thêm một phiên mới tỏ ra lo lắng và bán tháo.
Thị trường luôn luôn đúng, vậy nên khi thị trường giảm điểm đều có lý của nó và giảm thì vẫn cứ là giảm, vấn đề quan trọng là cần xác định xu thế giảm như thế nào, tác động ra sao và làm gì để có thể bảo toàn vốn hoặc tìm cơ hội sinh lãi. Một phần nào đó, việc VN-Index vượt mốc 1.000 điểm tương đối dễ dàng đã khiến nhiều nhà đầu tư quên mất rằng, chỉ số này đã từng khá vất vả để tăng 50 điểm, rồi 100 điểm.

Thông thường, các mốc 750 điểm, 800 điểm rồi 850 điểm… đều đã được VN-Index vượt qua một cách khá chật vật, nghĩa là tăng lên rồi lại lui xuống, rồi mới vượt trở lên. Mọi chuyện chỉ trở nên dễ dàng hơn khi từ 900 điểm lên mốc 1.000 điểm.

Lý giải điều này cũng không khó vì ở những ngưỡng bên dưới, sự nghi ngờ còn nhiều, nhưng càng lên cao thì kỳ vọng càng lớn và dòng tiền đổ vào càng gấp gáp nên các chỉ số cũng vượt đỉnh dễ dàng hơn. VN-Index đã tăng mạnh thì sẽ có những phiên giảm mạnh, đây là điều cần phải chấp nhận.

Mặt bằng giá mới

Nếu VN-Index ở vùng 600 điểm thì một phiên giảm gần 30 điểm tương đương với 5%, nhưng hiện nay chỉ số đã hơn 1.000 điểm, nên gần 30 điểm chỉ xấp xỉ 3% mà thôi. Điểm số mất trong khoảng 2-3% ở những phiên bán mạnh đã từng xuất hiện nên diễn biến phiên này không có gì bất ngờ. Thời gian qua, dù VN-Index đã vượt 1.000 điểm nhưng vẫn có những người không vui, mà ở đây không ai khác hơn chính là những người lỡ sóng, không mua kịp hàng.

Vì vậy, những phiên điều chỉnh này có thể xem như cơ hội để ra tay mua vào, nhưng mua sao cho đúng giá, đúng sóng lại là thách thức. Hơn một năm qua, mỗi khi VN-Index bổ sung được 10% điểm số, thường sẽ có những nhịp điều chỉnh và điểm số bị mất trong biên độ 3-5%.

Giả định VN-Index giảm lần này cũng như các kịch bản trước, tức là để xác lập mốc 1.000 điểm là đáy ngắn hạn và chuẩn bị cho những đợt tăng tiếp theo (VN-Index có thể mất khoảng 5% so với đỉnh). Trong trường hợp VN-Index giảm về 1.000 điểm và giữ được mốc này tối thiểu 3 phiên thì lịch sử có thể lặp lại, tạo ra những hy vọng về đỉnh mới chẳng hạn như 1.100 điểm.

Điểm khó ở đây là do điểm số ở mức cao, nên biến động hàng chục điểm trong phiên có thể tạo ra những lo ngại lớn về mặt ngắn hạn. Thách thức đó, nhưng cũng có thể là cơ hội vì khi bên bán ra hàng giá thấp thì cũng là cơ hội để bên mua có được giá rẻ.

Trong một chừng mực nào đó, những phiên giảm có tác động hạ nhiệt, không chỉ cho bên mua, mà còn cả cho bên bán. Không ít nhà đầu tư vì bán sớm đã trở nên căng thẳng khi nhìn thị trường tiếp tục tăng để rồi lại phải mua với giá cao. Ngược lại, có những nhà đầu tư canh chốt lãi, nhưng thị trường thường xuyên tăng để rồi rất khó lựa chọn được một giá bán phù hợp.