Giám đốc phân tích FPTS: Điều chỉnh sẽ không quá sâu

Theo CafeF

Thị trường điều chỉnh sẽ thực sự mở ra cho nhóm nhà đầu tư "lỡ sóng" vừa qua nếu như các yếu tố như dòng tiền và tâm lý thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực về vĩ mô.

Trước diễn biến tăng nóng của VN-Index trong 3 tuần vừa qua, chúng tôi đã có trao đổi với ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích công ty cổ phần Chứng khoán FPTS về diễn biến thị trường trong thời gian này.

Thưa ông, VN-Index đã tăng 13 phiên liên tiếp và vượt qua ngưỡng 460 điểm – vượt xa dự đoán của rất nhiều (công ty chứng khoán) CTCK cho rằng VN-Index chỉ chạm tới ngưỡng 430 điểm, vậy thời điểm này thị trường đã vào mức quá mua hay chưa?

 Giám đốc phân tích FPTS: Điều chỉnh sẽ không quá sâu - Ảnh 1
Ông Giang Trung Kiên, Giám đốc Phân tích công ty cổ phần Chứng khoán FPTS
Thực tế các ngưỡng kháng cự do các CTCK nhận định đều dựa vào những thời điểm và diễn biến cụ thể của thị trường. Ngưỡng kháng cự 430 điểm chủ yếu được lập luận dựa vào mức đỉnh tâm lý được hình thành ngay trước khi sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị điều tra. Còn theo phân tích kỹ thuật thì mức 430 chính là điểm cao nhất mà VN-Index được dự báo có thể phục hồi sau khi hai lần kiểm tra đáy 375 điểm.

Để vượt qua ngưỡng 430 điểm không thể không nhắc đến hàng loạt các thông tin vĩ mô đã hỗ trợ và tiếp sức cho đợt sóng này đi xa hơn. Điển hình là thông tin Chính phủ sẽ không kiểm soát tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất gồm bất động sản và chứng khoán trong năm 2013.

Ngoài ra, các động thái về chính sách nhằm giải quyết nợ xấu và hàng tồn khó cũng “rõ nét” và có chiều hướng được cụ thể hóa trong năm 2013 điển hình như việc gấp rút thành lập công ty mua bán nợ với nguồn vốn hoạt động sẽ không dựa vào việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Do đó theo quan điểm cá nhân tôi, VN-Index vượt qua 430 điểm (7/1/2012) và vượt ngưỡng 460 điểm là điều không quá bất ngờ.

Phiên ngày 8/1/2012 thanh khoản bắt đầu đạt mức cao cùng với mức điểm tăng đột biến là dấu hiệu khởi đầu cho hiện tượng thị trường tăng nóng. Tuy nhiên, hiện chưa xuất hiện các phiên giao dịch “trắng bảng” bên bán mà diễn biến giao dịch vẫn khá ổn đỉnh chia đều cả hai chiều mua và bán.

Do đó tôi cho rằng thị trường mới “chớm” đi vào khu vực quá mua tuy nhiên chưa chịu áp lực lớn từ phía cung. Do đó dù sắp tới sẽ xảy ra một vài phiên điều chỉnh nhưng sẽ không quá sâu.

Theo phân tích kỹ thuật, khi chỉ số vượt ngưỡng kháng cự với khối lượng giao dịch tăng cao thì nhà đầu tư nên mua vào, trong khi các CTCK luôn cho rằng nhà đầu tư cần cảnh giác trong giai đoạn này, điều này có trái ngược nhau?

Trên thị trường chứng khoán có rất nhiều đối tượng tham gia với mục tiêu đầu tư, mức độ chịu đựng rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng khác nhau. Do đó sẽ luôn tồn tại sự khác biệt giữa nhận định về xu hướng thị trường của các đối tượng tham gia thị trường.

Theo quan điểm cá nhân thì tín hiệu tăng điểm cùng thanh khoản cải thiện mới chỉ là một trong những dấu hiệu tốt về xu hướng thị trường. Chưa thể sử dụng tín hiệu này để lập luận là nên mua vào do yếu tố bền vững của xu hướng cần được kiểm chứng.

Ở góc độ CTCK, với vai trò và trách nhiệm của mình, các nhận định chiến lược đầu tư càng phải dựa trên các lập luận chặt chẽ để đưa ra các khuyến nghị về xu hướng tương lai.

Cũng chính vì các nguyên nhân trên, các CTCK thường cung cấp các mức điểm hỗ trợ và kháng cự đang chi phối xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ nhà đầu tư có cơ sở để tự xây dựng chiến lược và thời điểm mua bán phù hợp thay vì đưa ra khuyến nghị mua bán cụ thể.

Hiện các tổ chức trong giai đoạn vừa qua đa phần đều lỡ sóng, mặc dù VN-Index đã tăng được 15% và HNX-Index tăng được 17%, theo ông, đợt điều chỉnh vừa qua (mặc dù điều chỉnh nhưng khối lượng giao dịch vẫn ở mức cao) có là cơ hội cho các tổ chức gom hàng?

Hiện tượng thị trường tăng điểm vừa qua theo quan điểm cá nhân tôi đó mới chỉ là một giai đoạn hồi phục sau khi chịu áp lực giảm mạnh trong suốt gần 6 tháng cuối năm 2012. Sự hồi phục này diễn ra rất nhanh trong sự hoài nghi của thị trường do đó việc lỡ sóng của nhiều nhà đầu tư là dễ hiểu do còn ngại rủi ro.

Điểm đáng chú ý là sóng tăng 1 tháng vừa qua chỉ thực sự rõ nét khi mức điểm cũng như thanh khoản tăng đột biến kể từ ngày 18/12/2012 nhờ các thông tin về chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và các biện pháp xử lý nợ xấu được đưa ra. Do đó có thể nói mức độ thu hút dòng tiền cũng như sự quan tâm của nhà đầu tư vừa qua mới chỉ ở mức khởi đầu.

Phiên giao dịch 9/1/2013 thị trường đã có dấu hiệu chững lại khi vừa chớm vượt qua mức kháng cự mạnh tại 450 điểm. Với diễn biến này cơ hội sẽ thực sự mở ra cho nhóm nhà đầu tư chưa tham gia sóng hồi phục vừa qua nếu như các yếu tố như dòng tiền và tâm lý thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực về vĩ mô.

Giám đốc phân tích FPTS: Điều chỉnh sẽ không quá sâu (1)

Không nên quá say sóng khi thị trường tăng mạnh, theo ông, ngưỡng cản sắp tới của Vn-Index là bao nhiêu và lý do tại sao nhà đầu tư cần thận trọng ở thời điểm này?

Thị trường trong một vài phiên vừa qua đã có dấu hiệu tăng nóng, hiện tượng nhóm bluechips kéo chỉ số tăng điểm tạo ra tâm lý hoài nghi về xu hướng tiếp tục tăng điểm của chỉ số nếu như cầu tại nhóm này giảm sút. Như đã phân tích ở trên dấu hiệu chững lại quanh mức 460 điểm của VN-Index sẽ ảnh hưởng đến diễn biến thị trường và tâm lý giao dịch sẽ trở nên thận trọng hơn.

Thời điểm hiện nay cũng gần với các hoạt động công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2012 cũng sẽ là một trong số nguyên nhân khiến thị trường sẽ phân hóa rõ hơn. Do đó tâm lý đua mua theo các phiên tăng điểm đặc biệt là mua giá trần đối với những cổ phiếu đã có mức tăng giá đáng kể vừa qua là khá rủi ro.

Xin cảm ơn ông!