Giảm gánh nặng về thủ tục thuế, hải quan

P.V

TCTC Online - Mới đây, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức tọa đàm về chính sách thuế, hải quan với doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam. Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cùng các lãnh đạo ngành Thuế, Hải quan đông đảo cộng đồng DN Châu Âu tại Việt Nam. Ghi nhận tại buổi tọa đàm, khoảng 80% kiến nghị về thuế và hải quan của các DN châu Âu được Bộ Tài chính chấp thuận.

Nhiều vướng mắc…

Tại buổi tọa đàm, ông Thomas Grunzke đã trình bày nhiều vấn đề cơ bản liên quan đến thuế và hải quan đối với hoạt động của cộng đồng DN Châu Âu tại Việt Nam. Đồng thời, đưa ra một số kiến nghị tới với Bộ Tài chính, cơ quan Thuế, Hải quan và các cơ quan hữu quan khác giải đáp và tháo gỡ khó khăn mà các DN gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Cụ thể, cộng đồng DN Châu Âu khuyến nghị áp dụng mức thuế giá trị gia tăng là 0% đối với những dịch vụ liên quan đến ngành vận tải quốc tế như phí lưu trữ tài liệu, phí cập bến quá hạn, phí chậm trễ, phí dọn dẹp container, những chi phí tại cảng... EuroCham cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc việc cho phép các công ty liên quan trong cùng một tập đoàn sử dụng những khoản lỗ của các thành viên này để trừ vào khoản lợi nhuận từ các thành viên khác trong cùng một tập đoàn; xem xét loại bỏ thuế nhà thầu trên phần lãi vay, nhờ đó giúp giảm chi phí tổng và đặc biệt giảm chi phí cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế cũng được kiến nghị gia hạn lên đến 180 ngày và giảm thiểu các thủ tục khai thuế cho các DN nhỏ, ví như khai thuế VAT theo quý cùng với khai thuế DN tạm thời.

Bên cạnh đó, các DN Châu Âu cũng rất quan tâm đến vấn đề chuyển giá, mong muốn cơ quan thuế tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các quy trình và thủ tục trong kiểm tra chuyển giá, chọn lựa một quy trình kiểm tra chuyển giá minh bạch và chính thức, đồng thời tăng tần suất và tập trung hơn đến kiểm tra chuyển giá. Vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam là thỏa thuận giá trước (Advance Pricing Agreements - APPs) cũng được EuroCham đưa ra và kiến nghịc ác cơ quan thuế Việt Nam cân nhắc đến việc thực hiện một số thủ tục chính thức về APPs và những hướng dẫn cho thủ tục đó nhằm duy trì một môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh và hấp dẫn, đồng thời giảm chi phí kiểm tra thuế. Mặt khác, mong muốn hệ thống thuế nên áp dụng những hướng dẫn của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) một cách đầy đủ nhất nhằm mang lại lợi ích từ những thủ tục chi tiết và nâng cao tính ưu đãi cho các công ty đa quốc gia. Đồng thời, các DN kiến nghị, Chính phủ nên áp dụng một phương pháp tiếp cận kết hợp giữa định giá hải quan với các loại định giá khác, bằng cách kết hợp những hướng dẫn của các cơ quan ban ngành khác nhau.

Ông Thomas Grunzke nhấn mạnh: Chúng tôi hiểu rằng, nhiều đề xuất chưa thể thay đổi được ngay do cần thời gian để chỉnh sửa. Song điều quan trọng là, những tham vấn của chúng tôi sẽ đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khi các chính sách thuế được áp dụng rộng rãi và thống nhất cho các DN. Tuy nhiên, đòi hỏi về sự nhất quán và rõ ràng giữa quy định và việc thực hiện cũng như khả năng áp dụng chung không phải chỉ riêng đối với các DN châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Bởi nếu nguyên tắc này không được đảm bảo, thì chi phí cho việc thực thi các quy định pháp luật của DN sẽ rất lớn, cho dù quy định trên văn bản có tiến bộ như thế nào.

… đã được giải đáp.

Trong những năm vừa qua, hệ thống chính sách thuế đã được đổi mới, cải cách nhiều để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế. Các luật thuế trước khi ban hành luôn phải qua một quá trình dài lấy ý kiến cộng đồng DN và toàn dân, nghiên cứu các ý kiến và có giải trình, tiếp thu. Mỗi luật thuế mới được ban hành luôn có một khoảng thời gian để thông báo, hướng dẫn cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Đồng thời, trong quá trình hướng dẫn luật, nghị định, Bộ Tài chính luôn lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Đánh giá về những cải cách của Việt Nam, ông Thomas Grunzke - đại diện EuroCham tại Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đã rất tích cực ban hành, sửa đổi những chính sách thuế, hải quan theo hướng cởi mở, tạo thuận lợi cho DN hoạt động và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã lắng nghe các ý kiến và trực tiếp giải đáp thỏa đáng tất cả các vướng mắc của các DN đưa ra. Theo Thứ trưởng, đối với những đề xuất của DN, sẽ được Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu và có những sửa đổi phù hợp, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN trong thời gian tới. Còn về các hướng dẫn của OECD thì toàn bộ các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam đã ký kết đều có Điều khoản về Thủ tục thỏa thuận song phương theo chuẩn mực của OECD. Việt Nam cam kết thực hiện theo đúng các nội dung đã được quy định tại Hiệp định.

Về định giá Hải quan, Thứ trưởng cho rằng kiến nghị của EuroCham là rất xác đáng và Bộ Tài chính đã có dự kiến sẽ sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 40 quy định về lĩnh vực này muộn nhất là tháng 12 năm nay nhằm đưa quy định đến sát thực tiễn hơn và tạo thuận lợi cho DN.

Trong thực tế, nhiều DN nóng lòng muốn thủ tục hải quan điện tử được áp dụng rộng rãi hơn, Thứ trưởng cung cấp rõ các thông tin là, tuy mới áp dụng loại hình khai báo điện tử ở 13 Cục Hải quan, nhưng đây đều là những đơn vị trọng điểm, với khối lượng hàng hóa giao dịch chiếm 90% của cả nước. Do có quyền lựa chọn đơn vị hải quan để làm thủ tục thông quan, nên DN cũng rất thuận lợi khi giao dịch và đây cũng là một điểm tiến bộ của Việt Nam so với một số nước khác.

Kết thúc tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, DN có thể gửi câu hỏi và thắc mắc của mình về hải quan và thuế tới Bộ bất cứ lúc nào, đều được phản hồi kịp thời và tiếp thu. Những nội dung mà DN gửi là tài liệu quan trọng để Bộ xem xét khi soạn thảo hoặc sửa đổi các văn bản của ngành.