Giao dịch bằng thuật toán: Chất xúc tác làm chứng khoán rơi nhanh

Theo Lam Phong/tinnhanhchungkhoan.vn

Tháng 3, thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua những biến động dữ dội khi nhiều chỉ số chứng khoán lớn như S&P 500, Dow Jones và Nasdaq tăng lên trước đó, rồi cắm đầu lao dốc, tạo nên sự kiện Black Monday 2020. Trong bối cảnh này, một lần nữa, nhiều người dành ánh mắt nghi ngờ cho các giao dịch bằng thuật toán với tốc độ cao (HFT).

Giao dịch bằng thuật toán, chất xúc tác làm chứng khoán rơi nhanh.
Giao dịch bằng thuật toán, chất xúc tác làm chứng khoán rơi nhanh.

Chất xúc tác nguy hiểm

HFT là phương thức giao dịch sử dụng các chương trình máy tính để mua - bán số lượng lớn các sản phẩm có trong rổ hàng hoá trong thời gian chỉ khoảng một phần nghìn giây.

Các chương trình máy tính sử dụng thuật toán phức tạp để phân tích nhiều thị trường và thực hiện các đơn đặt hàng dựa trên tập điều kiện gắn sẵn.

Giao dịch HFT có đặc trưng là tốc độ và tần suất giao dịch liên tục, theo cách rút ngắn triệt để vị thế nắm giữ (sở hữu) chứng khoán nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận khiêm tốn trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng hiệu quả, tuân thủ tôn chỉ “tích tiểu thành đại” khác biệt so với chiến lược mua và nắm giữ truyền thống.

Ðây là công cụ được các quỹ đầu tư và nhà đầu tư tổ chức rất ưa chuộng bởi tốc độ nhanh, chi phí giao dịch thấp, gắn chặt với một chiến lược cụ thể.

Guy De Blonay, nhà quản lý Quỹ Jupiter Asset Management từng cho biết, năm 2018, 80% các giao dịch chứng khoán thường ngày tại Mỹ là do máy móc với thuật toán thực hiện.

Trong khi đó, năm ngoái, Ngân hàng Ðầu tư J.P Morgan cho biết, họ đang áp dụng thêm phương pháp máy học (machine learning) để cải thiện hơn nữa các ưu điểm của HFT và sử dụng công cụ này tại sàn giao dịch ngoại hối với khối lượng giao dịch lên tới 6,6 nghìn tỷ USD/ngày.

Bên cạnh những lợi ích, HFT thường xuyên nhận về chỉ trích, bởi có thể gây nên biến động dữ dội và được xem là công cụ cho phép các ông lớn thu lợi nhuận bằng chi phí của những “kẻ tí hon” - nhà đầu tư tổ chức, cá nhân nhỏ lẻ không sử dụng công cụ thuật toán.

Thực tế, giao dịch tần suất cao đưa ra quyết định trong 1/1.000 giây, loại bỏ hoàn toàn yếu tố cảm xúc, có thể dẫn tới biến động lớn trên thị trường mà không có lý do. Ðây là nguyên nhân chính dẫn tới sự kiện “Sụp đổ chớp nhoáng” (Flash Crash) của thị trường chứng khoán.

Theo đó, ngày 6/5/2010, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm gần 1.000 điểm, tương đương 10% chỉ trong vài phút khiến khoảng 1.000 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán Mỹ, trước khi thị trường hồi phục chỉ trong vòng 20 phút.

Trong một báo cáo chung được công bố vào tháng 9/2010, Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đã “đổ lỗi” cho một giao dịch thuật toán trị giá 4,1 tỷ USD được thực hiện bởi một quỹ tương hỗ có tên là Waddell & Reed Financial Inc.

Quỹ này có trụ sở tại Kansas khi thực hiện bán 75.000 hợp đồng E-Mini S&P500. Lệnh bán được kích hoạt theo thuật toán giao dịch khi biến động trên thị trường đạt những tiêu chí nhất định.

Các công ty giao dịch HFT đã mua những hợp đồng này và ngay lập tức bán ngay trên thị trường, chỉ giữ vị thế trong một khoảng thời gian ngắn.

Báo cáo đã công bố áp lực bán của các công ty giao dịch HFT cũng như những đối tượng khác đã khiến giá của hợp đồng phái sinh E-Mini S&P giảm 3% chỉ trong vòng 4 phút.

Trong thời gian này, những nhà đầu cơ chuyên tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá giữa các thị trường khác nhau cũng thực hiện mua E-Mini S&P 500, đồng thời bán khối lượng tương ứng trên thị trường cổ phiếu, dẫn đến giá của các chứng chỉ quỹ ETF mô phỏng chỉ số này cũng giảm tương ứng là 3%.

Chỉ trong 14 giây cuối trước khi thị trường phục hồi, giao dịch của các công ty HFT chiếm tỷ trọng 49% tổng khối lượng giao dịch.

Kẻ tội đồ?

Trong giao dịch thường ngày, HFT giúp bổ sung thanh khoản nhanh chóng, hỗ trợ sự ổn định của giao dịch, bởi giao dịch tần suất cao có thể nhanh chóng kết nối người mua và người bán ở mức giá mà mỗi người muốn.

Tuy nhiên, khi thị trường xuống dốc chóng mặt, tương tự những gì vừa xảy trong 2 tuần qua, các giao dịch bằng thuật toán bị cáo buộc đã phóng đại mức độ nghiêm trọng của đà giảm, tạo tâm lý hoảng loạn với giới đầu tư.

Theo Business Insider, một số chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, việc thị trường chứng khoán tăng - giảm chóng mặt trong thời gian qua là hậu quả của việc gia tăng sử dụng các công cụ thuật toán và giao dịch tần suất cao trên thị trường.

Cùng quan điểm, ông Tsuyoshi Imai, CEO Công ty Chứng khoán Nhật Bản cho rằng, thị trường sụt giảm chủ yếu là do các thuật toán được thiết kế để phản ứng trước các từ ngữ, tin tức, sự kiện mang tính tiêu cực.