Giao dịch chứng khoán phái sinh: Đường đã mở nhưng không dễ đi

Trần Thanh Tùng, Ngô Nhật Minh - Công ty Luật Phuoc & Partners

(Tài chính) Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ phát triển, nhìn từ việc dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cho phép đăng ký thay đổi giấy phép kinh doanh theo yêu cầu của tòa án hoặc trọng tài…

Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ có cơ hội phát triển nhìn từ dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Nguồn: thesaigontimes.vn
Thị trường chứng khoán phái sinh sẽ có cơ hội phát triển nhìn từ dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Nguồn: thesaigontimes.vn

Một vụ việc thực tế

Quỹ đầu tư nọ đã cho một công ty cổ phần vay tiền để mua tài sản cố định. Do bên vay không có tài sản thế chấp, quỹ đồng ý cho vay không đảm bảo nhưng nếu đến hạn trả nợ mà bên vay không thể hoàn trả tiền vay, khoản nợ sẽ được chuyển thành cổ phần của bên cho vay trong bên vay.

Tuy nhiên, đến hạn, bên vay không trả nợ nhưng cũng không tiến hành thủ tục để chuyển khoản vay thành cổ phần như đã thỏa thuận. Bên cho vay buộc phải kiện bên đi vay tại trọng tài thương mại. Căn cứ theo hợp đồng, trọng tài buộc bên vay phải thực hiện hợp đồng.

Phán quyết sau đó được chuyển cho cơ quan thi hành án nhưng cơ quan này không thể thi hành. Lý do là Luật Doanh nghiệp 2005 không có cơ chế cho việc đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài.

Do vậy, việc thay đổi GCNĐKDN sẽ hoàn toàn thuộc vào doanh nghiệp, tức là bên vay trong trường hợp này. Nếu bên vay không tự nguyện đăng ký việc hoán đổi nợ thành cổ phần thì bên cho vay, cơ quan thi hành án và cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không thể ép bên vay phải làm.

Kết quả là bên cho vay “thắng” trên giấy nhưng “thua” trên thực tế vì không thể chuyển đổi khoản nợ thành cổ phần nhưng cũng không thể lấy lại tiền cho vay (vì phán quyết đã có hiệu lực pháp luật).

Cửa đã mở?

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã mở ra con đường cho những trường hợp như trên bằng việc ghi nhận khả năng thay đổi nội dung đăng ký của doanh nghiệp theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài, mà không cần sự đồng ý của chính doanh nghiệp đó.            

Cụ thể, sau khi bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc trọng tài có hiệu lực, người có quyền lợi có thể yêu cầu thay đổi nội dung đăng ký của doanh nghiệp bằng cách gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, kèm theo bản sao bản án hoặc quyết định của tòa án hoặc trọng tài đó. Căn cứ theo thông tin trong thông báo, bản án hoặc quyết định, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ ban hành GCNĐKDN sửa đổi ghi nhận các thay đổi theo yêu cầu.

Đây là cơ chế rất mới trong việc đăng ký các thay đổi trong GCNĐKDN. Mặc dù nội dung bản án hoặc quyết định là rất đa dạng nhưng bài này sẽ chỉ xem xét tác động của quy định này đối với các giao dịch liên quan đến chứng khoán phái sinh như kỳ hạn (forwards), tương lai (futures), quyền chọn (options) và hoán đổi cổ phần (stock swaps) hoặc hoán đổi nợ (convertible bond). Các lợi ích có thể kể đến là:

Thứ nhất, với cơ chế này, con đường sáng rõ hơn cho các giao dịch phái sinh. Các bên hiểu rằng hợp đồng liên quan đến chứng khoán phái sinh không những được khẳng định mà còn có cơ chế thi hành rõ ràng.

Thứ hai, doanh nghiệp có thêm một cách thức để huy động vốn ngay cả khi không có tài sản bảo đảm - tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào sự đồng ý của bên cho vay. Còn đối với bên cho vay, nếu doanh nghiệp không thanh toán được khoản nợ, bên cho vay có thể nắm giữ cổ phiếu của bên vay và được một phần quyền lợi trong doanh nghiệp với tư cách cổ đông.

Và nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Việc luật hóa cơ chế thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quyết định của tòa án hoặc trọng tài là cần thiết, vì suy cho cùng, chính các bên đã thỏa thuận như thế và tòa án hoặc trọng tài cũng chỉ là người thừa nhận các thỏa thuận đó mà thôi.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi một ngày nào đó, các chủ nợ đến công ty trình ra GCNĐKDN thể hiện rằng họ đã là chủ hợp pháp của công ty và có quyền thay toàn bộ ban lãnh đạo hiện tại. Lưu ý rằng, một khi đã cầu viện đến tòa án hoặc trọng tài, thì các bên hầu như không thể hợp tác với nhau được nữa. Vì thế điều này sẽ là một sự chấn động lớn đối với lãnh đạo và nhân viên trong doanh nghiệp.

Mặc dù bản án và quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chúng vẫn có thể bị xem xét lại theo thủ tục tái thẩm và giám đốc thẩm, còn quyết định trọng tài có thể bị tòa án hủy. Vậy nên cũng dễ hiểu khi cơ quan cấp phép e dè khi nhận yêu cầu đăng ký dạng này.

Dù là một quy định hợp lý nhưng để quy định này phát huy hiệu quả trên thực tế, đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan như cơ quan cấp phép, cơ quan thuế, thi hành án, tòa án... để đảm bảo bản án và quyết định được thi hành nghiêm chỉnh nhưng không gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp. Điều này cần được thiết kế chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi.