Giáp Tết, ngân hàng “đua” tăng lãi suất huy động

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động vào những ngày cuối cùng của năm nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng; đây cũng là cách các ngân hàng áp dụng để hút thêm khách mới khi nguồn tiền lương, thưởng, kiều hối dịp cuối năm thường dồi dào nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng chủ yếu do yếu tố mùa vụ, tạm thời để đáp ứng nhu cầu thanh toán, dự phòng chi trả trong dịp giáp Tết. Chỉ tính riêng trong tháng 12, biểu đồ lãi suất huy động ở hầu hết các ngân hàng đã có sự điều chỉnh tăng cho tất cả các kỳ hạn.

Thiết lập mặt bằng lãi suất mới

Sau điều chỉnh, lãi suất của các ngân hàng này vẫn nằm trong vùng trung bình so với mặt bằng phổ biến của toàn thị trường (khoảng 5-6%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 6,4-7,0%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng).

Theo biểu lãi suất huy động vừa được công bố đầu tháng 12 của ngân hàng VIB, ở kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài, lãi suất kỳ hạn ngắn tăng 0,5%, lần lượt là kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,9%, kỳ hạn 2 tháng tăng 0,65% lên 4,9%; 3-5 tháng hiện là 5,1%, 6-11 tháng tăng lên 5,6%. Đáng chú ý, lãi suất huy động tại các kỳ hạn dài 24-36 tháng được ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,8% từ 6,2% lên 7%.

PVcomBank mới đây cũng công bố tăng lãi suất huy động, trong đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng này tăng 0,2% lên 7,5%. Theo bảng lãi suất mới công bố áp dụng từ ngày 23/12 của Sacombank, lãi suất tăng thêm 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn.

Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng tăng từ 4,9% lên 5%; kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng tăng từ 5,9% lên 6%/năm. Riêng sản phẩm tiết kiệm Tích tài, ngân hàng tăng lãi suất 6 tháng và 9 tháng từ 5,2 – 5,3% lên 5,5%/năm.

Các kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên được ngân hàng áp dụng lãi suất 7%/năm. Riêng kỳ hạn 13 tháng, Sacombank áp dụng lãi suất lên đến 7,55%/năm nhưng với điều kiện các món tiền phải là gửi mới từ 500 tỷ đồng trở lên. Nếu sổ tiết kiệm tái tục có số dư nhỏ hơn 500 tỷ đồng thì ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng nhận lãi cuối kỳ ở mức 6,8%/năm.

Cách đây hai ngày, VPBank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Theo đó, kỳ hạn một tháng tăng từ 4,9% lên 5,2%, kỳ hạn 12 và 13 tháng tăng từ 6,5% lên 6,9%/năm. Ngân hàng cộng thêm 0,1%/năm so với gửi tại quầy đối với các khoản tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên.

Dữ liệu cuối tháng 11 do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất ở các kỳ hạn như: VPBank, Eximbank, Techcombank, TPBank … cũng nâng lãi suất từ 0,1 – 0,3%/năm ở một số kỳ hạn. PVcomBank thì tăng mạnh hơn chút ít với mức tăng 0,2 – 0,4%/năm.

Chuẩn bị kế hoạch tín dụng 2017

Theo đại diện của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện gây áp lực lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng. Ngay sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng đã có xu hướng tăng nhẹ vào những tuần tiếp theo.

Theo lý giải của các chuyên gia, nhu cầu tăng trưởng tín dụng cuối năm trong hệ thống rất lớn, các chuyên gia nhận định, xu hướng tăng này rất có thể sẽ tiếp tục xảy ra vào những ngày đầu năm 2017.

Dù có sự tăng nhẹ về lãi suất huy động ở một số ngân hàng, nhưng thị trường lại đang có sự chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng có quy mô nhỏ.

Khảo sát thị trường cho thất, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tại chỉ khoảng 4,3%/năm đến 4,5%/năm, lãi suất kỳ hạn dài chỉ khoảng 6,5%/năm.

Còn tại một số ngân hàng nhỏ, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng vẫn kịch trần 5,5%/năm trong khi kỳ hạn dài lên tới 7,5 – 8%, cao hơn lãi suất tại các ngân hàng lớn khoảng 1 – 1,5%/năm.

Hồi tháng 9, thị trường cũng chứng kiến một vài ngân hàng nhỏ nâng nhẹ lãi suất. Trước đó, một đợt tăng lãi suất trên diện rộng với sự góp mặt của cả ngân hàng lớn lẫn nhỏ cũng đã diễn ra hồi cuối tháng 6 đầu tháng 7.