Giới đầu tư mong gì ?

Theo Thừa Ân/nhandan.com.vn

Ở tuổi 18 trưởng thành, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã có những thay đổi cả về lượng lẫn chất. Mong đợi của các thành viên trên thị trường cũng đã khác hơn…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Minh bạch và bình đẳng

Chứng khoán được ví là hàn thử biểu của nền kinh tế. Chứng khoán luôn có chỉ số bật chế độ xanh lá, là niềm vui của các nhà đầu tư, cũng là niềm vui của nền kinh tế bởi phản ánh niềm tin và hy vọng, độ nhạy của người dân trước những tín hiệu tích cực của các biến số vĩ mô, môi trường kinh doanh và hiệu quả doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngoài niềm mong đợi thị trường phủ xanh và các chỉ số thẳng tiến, ở thời điểm hiện nay, nhà đầu tư còn chờ đợi và đòi hỏi cao hơn đối với “môi trường đầu tư” trong thị trường.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán (CTCK) SSI, một thành viên có lịch sử lâu đời song hành cùng sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam và hiện là Công ty có thị phần môi giới lớn nhất trên hai sàn, cho biết, năm 2018, mong đợi lớn nhất nhà đầu tư trên thị trường có lẽ là tính minh bạch và sự bình đẳng giữa các thành phần tham gia. “TTCK có thiếu một số thứ, nhưng không thể thiếu “tính thị trường” và điều quan trọng nhất của một thị trường là sự minh bạch và bình đẳng, để thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia”.

Cũng theo vị lãnh đạo CTCK lớn, cũng là Chủ tịch HĐQT của nhiều DN khác nhau như Công ty TNHH Đầu tư NDH, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI, hay Công ty đang niêm yết trên thị trường như Tập đoàn PAN (HoSE), thì trong suốt thời gian phát triển vừa qua, cơ quan quản lý cũng đã đề cao và dần có những bước đi thiết thực hơn để nâng tính minh bạch, bình đẳng trên TTCK. Điển hình như công tác xử lý vi phạm, các hành vi mang tính chủ đích, trục lợi hay “lặp đi lặp lại” đã bị phạt rất nặng. Ông Hưng tin tưởng trong tương lai, cơ quan quản lý sẽ còn làm tốt hơn để tăng cường hơn tính minh bạch trên thị trường, mang đến sự công bằng cho mọi thành viên.

Mặc dù cơ quan quản lý đã giám sát rất chặt các hoạt động trên thị trường, và đưa ra nhiều quyết định xử phạt các hành vi gian lận, nôm na là “thao túng” giá chứng khoán, nhưng theo nhiều nhà đầu tư, còn nhiều vụ việc mà nếu tính minh bạch được đề cao và quán triệt thượng tôn hơn, thì chắc chắn sẽ không có phản ứng không đáng có như trường hợp VAFI với các khuyến cáo, đề xuất xoay quanh chuyện phạt tỷ phú FLC Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Công ty FLC Faros. 195 triệu đồng là tổng mức phạt dành cho Chủ tịch FLC do vị này và Công ty FLC Faros bán chui cổ phiếu FLC và AMD. Cho đến nay vẫn chưa có thống kê chính thức những thiệt hại của cổ đông và nhà đầu tư do hành vi bán chui này.

Nỗi lo về quản trị doanh nghiệp

Ngoài mong mỏi về tính minh bạch nhằm giảm thiểu gian lận thao túng, bán chui, đẩy giá cổ phiếu, tạo cung cầu ảo… trên thị trường, nhà đầu tư cũng khao khát về tính minh bạch thông tin, quản trị minh bạch sẽ “phủ sóng” trong hoạt động của các doanh nghiệp trên sàn.

Anh Hiền Nguyễn, một nhà đầu tư tại Chứng khoán HSC cho biết, anh đã gắn bó với TTCK khoảng chừng hơn 5 năm. Trong ngần đó thời gian, anh tích lũy khá nhiều kinh nghiệm. Cộng với sự tư vấn rất chuyên nghiệp của một môi giới thân thiết tại Công ty anh mở tài khoản. Dù vậy, nhưng do hoạt động IR (Investor Relationship) thực tế vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng và tuân thủ đầy đủ, thông tin còn có lúc công bố chưa chính xác, báo cáo tài chính vẫn còn có trường hợp “làm xiếc” các con số và điều chỉnh mạnh sau kiểm toán, nên chỉ cần ra quyết định mua-bán hấp tấp, là tài khoản của nhà đầu tư cũng… “lãnh đủ”.

Trường hợp chạm đáy phá sản của TTF (Gỗ Trường Thành, HoSE) trong quá khứ do bị “rút ruột” hàng tồn kho và chỉ vực lại được khi có các nhà đầu tư vào thay máu, hay gần nhất là trường hợp Thủy sản Hùng Vương ghi nhận lỗ thêm hơn 600 tỷ đồng sau kiểm toán báo cáo tài chính năm 2017 và cổ phiếu HVG đã bị HSX đưa vào diện kiểm soát đặc biệt… đều cho thấy rằng, tính minh bạch, đâu đó, trong nhiều doanh nghiệp, vẫn là món “trang sức”. Trong khi đó, minh bạch lại là một trong những yếu tố quyết định chất lượng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Ngọc Hoàn, hiện cơ quan quản lý đã khá kiện toàn các quy định, tạo hành lang pháp lý để quản lý và đưa các đơn vị niêm yết ngày càng nâng cao về quản trị, minh bạch, đúng tiêu chuẩn quản trị của công ty đại chúng. Chẳng hạn như năm 2017, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã triển khai Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng. Có hiệu lực từ 1/8/2017, Nghị định gồm 8 Chương, 38 Điều quy định về cổ đông và Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, ngăn ngừa xung đột lợi ích, công bố thông tin, giám sát và xử lý vi phạm. Trong đó có một nội dung đáng chú ý là yêu cầu doanh nghiệp đại chúng tách bạch nhân sự giữa vị trí của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc. Thực tế đến thời điểm hiện nay, sau hơn gần 3 quý kể từ khi Nghị định có hiệu lực, đã có bao nhiêu doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định này?

Hy vọng vào mùa đại hội cổ đông năm nay, cơ quan quản lý thị trường sẽ có biện pháp ráo riết thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi quy định, bầu chọn tách nhân sự để bảo đảm đúng mục tiêu mà chính sách đặt ra.

Xem ra, thị trường vẫn còn rất nhiều việc phải làm!