Vốn ngoại bám trụ thị trường

Năm 2012 từng được giới đầu tư cảnh báo là thời điểm “tất toán” của một số quỹ ngoại hoạt động trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam theo mô hình quỹ đóng. Tuy nhiên, một số quỹ lớn dù đã đến thời điểm thoái vốn nhưng đều ra thông báo sẽ tiếp tục gia hạn hoạt động và tin tưởng thị trường sẽ khởi sắc trong tương lai…

Ngày 5/10/2012, một tin vui đối với TTCK Việt Nam là tại Đại hội cổ đông thường niên của Dragon Capital, các cổ đông của Quỹ này đã bỏ phiếu biểu quyết kéo dài hoạt động của Quỹ. Cụ thể, đối với hai Quỹ thành viên là VGF (VN Growth Fund Limited) và Quỹ (VN Enterprise Investments Limited), chuyên đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết do Dragon Capital quản lý, các cổ đông đã thông qua thời hạn duy trì quỹ lần lượt đến năm 2015 và năm 2017.

Theo ông Hartmut Giesecke, Chủ tịch Quỹ VEIL, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu mà trọng tâm là khu vực ngân hàng, tài chính… Nhiều cổ đông của Quỹ vẫn khẳng định tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng còn rất lớn. Các ý kiến đều thống nhất đánh giá Việt Nam có lợi thế là nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, môi trường chính trị ổn định và môi trường kinh doanh đang ngày càng được cải thiện tốt hơn. Sau những năm tăng trưởng “nóng”, dựa vào vốn và lao động, Việt Nam đã nhận ra hạn chế, khiếm khuyết và đang dần chuyển sang mô hình tăng trưởng kinh tế hướng vào chiều sâu nhằm phát triển ổn định, bền vững. Kể từ năm 2011, hàng loạt biện pháp cải cách kinh tế đã được triển khai nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kết quả là lạm phát được kiểm soát, giá trị đồng nội tệ được giữ vững, nhập siêu được kìm chế nền kinh tế về trạng thái cân bằng hơn…

Đồng quan điểm trên, ông Marc Faber, Chủ tịch Quỹ VGF khẳng định: “Triển vọng phát triển của TTCK Việt Nam trong dài hạn là không phải bàn cãi. Giá cổ phiếu ở Việt Nam hiện được xem là rẻ nhất trong khu vực. Bởi vậy, nếu kiên trì thực hiện mục tiêu đầu tư vào cổ phiếu của những DN tốt, chờ những cải cách “bén rễ” giúp củng cố nền tảng của thị trường, nhất định khi đó giá của cổ phiếu sẽ tăng…”. Được biết, trong tháng 9 vừa qua, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ VGF tăng gần 10 triệu USD so với tháng trước đó nhờ khoản đầu tư “khôn ngoan” vào cổ phiếu VNM của Tổng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam. Trước Dragon Capital, Đại hội cổ đông bất thường của hai quỹ đầu tư do Saigon Asset Management quản lý cũng đã thông qua việc gia hạn thời gian hoạt động của quỹ, chờ thị trường và kinh tế vĩ mô khởi sắc…

Tin tưởng vào chiến lược đầu tư dài hạn trên thị trường, ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital chia sẻ cơ hội gia tăng lợi nhuận lên gấp vài lần vẫn tồn tại với TTCK Việt Nam nếu biết lựa chọn khoản đầu tư tốt và thời điểm thoái vốn hợp lý. Đây là một lợi thế của các quỹ đóng dài hạn bởi so với các kênh đầu tư khác, giá chứng khoán Việt Nam đang khá hấp dẫn khi nhiều mã có P/E dưới 5 lần, tỷ lệ cổ tức trên thị giá cao, tiềm năng tăng trưởng ổn định, bất chấp môi trường kinh doanh trước mắt còn nhiều khó khăn. Những mã cổ phiếu Blue - chips như HPG, REE…hiện khá hấp dẫn ở các chỉ số cơ bản, phù hợp với chiến lược đầu tư này.

Chờ đợi cơ hội mới

Dù kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn của quỹ, không đồng ý với các phương án “tất toán” quỹ sớm, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn hy vọng, nền kinh tế Việt Nam sẽ dần khởi sắc hơn, bắt đầu từ cuối năm 2012.

Theo ông Michel Tosto, Giám đốc Giao dịch chứng khoán, Khách hàng tổ chức của Viet Capital, gần đây, giới đầu tư nước ngoài đã dành cho Việt Nam mối quan tâm khá lớn và một số tổ chức đang chờ đợi, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam khi kinh tế vĩ mô có dấu hiệu hồi phục. Tại thời điểm này, khi bức tranh vĩ mô phát đi nhiều tín hiệu lạc quan: lạm phát trong tầm kiểm soát, sản xuất đang trên đà phục hồi, tỷ giá ổn định… cơ hội đầu tư đang dần sáng rõ hơn.

Qua tiếp xúc với các NĐT nước ngoài, Viet Capital nhận thấy hiện có 3 mối quan tâm chính với thị trường, cần sự trả lời rõ hơn từ thực tiễn. Thứ nhất, các nhà đầu tư quốc tế muốn biết quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của ViệtNam diễn ra trong bao lâu và bài toán nợ xấu được giải quyết như thế nào? Thứ hai, giới đầu tư quốc tế quan tâm đến tình hình lạm phát của Việt Nam trong 6 - 12 tháng tới và sự ổn định của kinh tế vĩ mô? Thứ ba, cùng với hai vấn đề trên là chất lượng hàng hóa trên TTCK, cũng như những đổi mới trong quản trị DN, minh bạch hóa thông tin của DN? Hiện lĩnh vực được giới đầu tư quốc tế quan tâm nhiều nhất là hàng tiêu dùng, điện nước, nông nghiệp, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Theo ông Phạm Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), bên cạnh chờ đợi những thay đổi tích cực của kinh tế vĩ mô thì sự thay đổi từ tự thân mỗi DN trong quá trình tái cơ cấu là điều các NĐT nước ngoài rất quan tâm. Đặc biệt, giới đầu tư quốc tế ưa thích những công ty ít đầu tư đa ngành, có thương hiệu và doanh thu cao ở lĩnh vực kinh doanh chính. Cụ thể, ngành hàng tiêu dùng trong những năm qua và trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển ổn định và NĐT nước ngoài đang tìm kiếm những doanh nghiệp hoạt động tốt để đầu tư. Tuy nhiên, các DN kinh doanh tốt như FPT, VNM, “room” dành cho NĐT nước ngoài cơ bản đã “kín”, vì vậy, cùng với sự cải cách nền kinh tế, TTCK rất cần thêm hàng hóa mới, hấp dẫn.

Dòng vốn ngoại đã ở lại, nhưng để giữ chân họ lâu hơn phụ thuộc vào thành công của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mà chúng ta đang quyết liệt triển khai. Để giữ chân dòng vốn này gắn bó bền vững, gắn với DN và giúp các DN phát triển, câu hỏi lớn còn chờ các nhà lãnh đạo DN Việt Nam trả lời. Bởi chỉ có đổi mới quản trị triệt để, minh bạch hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế mới giúp giá trị DN tăng lên trong con mắt giới đầu tư tài chính quốc tế đã ngày càng khắt khe và thận trọng hơn.

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 10-2012

Giữ chân vốn ngoại…

Hải Vân

(Tài chính) Trong lúc thị trường chứng khoán Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, việc hàng loạt quỹ ngoại cam kết tiếp tục gắn bó với thị trường là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, để giữ chân dòng vốn này ở lại, cần những chính sách dài hạn và quan trọng là những cải cách từ tự thân mỗi doanh nghiệp…

Xem thêm

Video nổi bật