Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất

Theo KTĐT

Ngày hôm qua, trên địa bàn các tỉnh miền Trung, lượng mưa đã giảm nhiều, mực nước các sông đang xuống, tuy nhiên tình trạng ngập lụt vẫn duy trì và theo dự báo có thể kéo dài trong vài ngày tới. Các địa phương đang tích cực chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ, lụt.

Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến ngày 9/9, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 14 người chết, 2 người mất tích và 15 người bị thương. Mưa lũ đã làm 179 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi; hơn 7.800 ngôi nhà bị ngập; trên 47.300ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 2.500ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập; 27.395m3 kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 24.545m3 đường quốc lộ bị sạt lở và 121.072m3 đường giao thông nông thôn bị sạt lở.

Giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất - Ảnh 1

Tại Thanh Hóa, mưa lớn đã khiến hàng ngàn ngôi nhà của người dân các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thọ Xuân... bị ngập, nhiều nơi bị nước cô lập. Ước tính thiệt hại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lên tới hơn 400 tỷ đồng. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện nhanh chóng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và di dân đến nơi an toàn. Đồng thời, kịp thời cứu trợ mì tôm, thực phẩm đến các khu vực dân cư bị cô lập. Đặc biệt, do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra một số sự cố sạt lở đê, kè như nứt sạt mái đê, kè trên tuyến đê tả sông Chu đoạn K19+790 - K19+830 với chiều dài cung sạt 40m và đoạn K24+400 - K24+470 kè Thiệu Vũ với chiều dài cung sạt 70m. Hiện nay các sự cố đang được xử lý bằng thảm cụm cây và rọ đá.

Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1357/CĐ-TTg yêu cầu UBND tỉnh Yên Bái khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây ra vụ sạt lở đất đá thuộc khu mỏ chì kẽm ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải ngày 7/9, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương trong vụ sạt lở vừa qua. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục triển khai các biện pháp tìm kiếm người bị nạn, cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng và thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, mất tích và bị thương.

Tại Nghệ An, mưa lớn đã gây ngập úng và thiệt hại nặng nề cho trên 19.500ha cây trồng và 1.400ha nuôi trồng thủy sản. Các huyện bị thiệt hại nặng nề nhất là Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành , Nam Đàn, Hưng Nguyên. Hiện nay, các địa phương đang chỉ đạo bà con tranh thủ mưa ngớt, gặt nhanh những diện tích lúa bị ngập. Trong khi các trường học đang nô nức vào mùa khai giảng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn 37 trường học đang phải vật lộn khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo thống kê bước đầu của Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, thiệt hại do mưa lũ tại các trường học trên địa bàn huyện lên tới hàng tỷ đồng. Phòng GD&ĐT Hương Khê đang phối hợp với chính quyền địa phương huy động giáo viên, phụ huynh tập trung dọn dẹp bùn rác, vệ sinh phòng học, sân trường, vườn trường, cố gắng trong ngày hôm nay (10/9), các em học sinh có thể bắt đầu vào năm học mới.

Tại Yên Bái, mưa lớn đã gây ra sạt lở đất ở khu vực bãi thải khai thác quặng ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Căng Chải làm gần 20 người chết và mất tích. Ngay sau khi xảy ra sự cố, UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ huy khắc phục hậu quả và quyết định hỗ trợ 100kg gạo và 4,5 triệu đồng/người chết, 1,5 triệu đồng cho người bị thương.

Những ngày tới, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư tiếp tục cử đoàn công tác đến hiện trường các khu vực nứt, sạt mái đê sông Chu, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với địa phương để xử lý sự cố. Đồng thời, yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.