Gửi tiết kiệm dài hạn ngày càng hấp dẫn

Theo vnexpress.net

Một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngắn hạn trong khi lại tăng kỳ hạn dài.

Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi dài hạn, giảm ngắn hạn. Nguồn: Internet
Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi dài hạn, giảm ngắn hạn. Nguồn: Internet

Cũng gửi 500 triệu đồng kỳ hạn một tháng như mấy lần trước tại một ngân hàng trên đường 3/2, quận 10, TP. Hồ Chí Minh, nhưng sáng 18/7, chị Hoa ở quận 6 chỉ nhận được tầm 1,9 triệu đồng mỗi tháng thay vì gần 2 triệu đồng. Hỏi ra chị mới biết hôm nay nhà băng này chính thức áp dụng biểu lãi suất mới với việc giảm một số kỳ hạn ngắn, cụ thể một tháng hạ 0,1% xuống còn 4,6% một năm. 

Trong khi đó, ở kỳ hạn dài, hiện ngân hàng nơi chị Hoa đang gửi có lãi suất lên đến 8% dành cho kỳ hạn 24 và 36 tháng.

Một khách hàng khác là Nga - nhân viên văn phòng của một công ty may mặc ở quận 3 cho hay, từ đầu năm đến nay, chị đã đáo hạn 2 lần sổ tiết kiệm 300 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất chỉ 5,6% và giờ quyết định gửi luôn kỳ hạn dài 24 tháng, hưởng mức lãi 8%.

Theo lý giải của chị Nga, đây là tiền nhàn rỗi, mặt khác các ngân hàng yếu kém đã được xử lý, không còn sợ rủi ro nên quyết định gửi luôn kỳ hạn dài để được hưởng mức lãi cao gấp rưỡi. 

Sau một thời gian dài neo ở mức cao, một số ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất kỳ hạn dài. Theo đó, ngày 13/7, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng đã quyết định tăng lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng thêm 0,1-0,2% một năm, đưa niêm yết lên 7,5-7,6% một năm.

Các ngân hàng khác như NCB, Eximbank, OCB,... hiện công bố mức lãi suất huy động kỳ hạn dài cao nhất lên đến 7,9-8% một năm. 

Còn với lãi suất ngắn hạn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank hôm 18/7 đã thông báo giảm lãi suất kỳ hạn một tháng 0,1% mỗi năm, xuống còn 4,6% một năm. Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank... lãi suất kỳ hạn ngắn cũng khá thấp, dao động 4,3-4,5% một năm. 

Động thái điều chỉnh tăng kỳ hạn dài, giảm kỳ hạn ngắn này được lãnh đạo một số nhà băng cho rằng nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, bởi thanh khoản của các ngân hàng hiện nay tương đối ổn. Thêm vào đó, từ ngày 10 đến 14/7, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kéo dài xu hướng giảm trong 2 tháng liên tiếp. Trong tuần qua, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, một tuần và một tháng giảm thêm 0,47%, 0,49%, và 0,67%, xuống tương ứng còn 1,28%, 1,57% và 2,42%.

TS. Bùi Quang Tín, Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh phân tích thêm, theo quy định của Thông tư số 06/2016, kể từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn, giảm ngắn hạn. Do đó, đây là thời điểm một vài nhà băng tập trung hút vốn trung dài hạn bằng cách tăng lãi suất dài, và giảm lãi suất ngắn để cân đối nguồn vốn. 

Mặt khác, theo ông Tín, việc giảm lãi suất huy động ngắn là do tác động sau quyết định hạ một số lãi suất chủ chốt cũng như cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước mới đây. Nhiều ngân hàng đã công bố biểu lãi suất cho vay mới cho các đối tượng ưu tiên, theo đó lãi suất cho vay không chỉ giảm 0,5% mà có ngân hàng giảm tới 1%.

Cụ thể như BIDV giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng ở mức 6,5% mỗi năm đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. LienVietPostBank cũng giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Còn VPBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 0,5% đến 1% mỗi năm, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với ngân hàng....

Tuy lãi suất cho vay ngắn hạn giảm mạnh, bản thân nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết không dám để lãi suất tiết kiệm giảm sâu vì sợ người gửi tiền sẽ quay lưng. "Hiện nay nhu cầu gửi ngắn hạn vẫn còn cao, nếu giảm mạnh, người dân có thể rút tiền mua vàng, đôla. Khi đó thanh khoản sẽ gặp khó", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam chia sẻ.

Để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động các biện pháp để đảm bảo thanh khoản, thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí... Bên cạnh đó, cơ quan này điều chỉnh giảm 0,25% một năm các mức lãi suất điều hành, qua đó hỗ trợ cho các nhà băng giảm chi phí tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Nhà nước khi có nhu cầu.

Theo TS. Bùi Quang Tín, việc một số nhà băng giảm lãi suất tiết kiệm ngắn hạn là tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng và khó thành xu hướng chung của toàn hệ thống.

Ngoài ra, ông Tín cho rằng, lạm phát năm nay sẽ không xuống dưới 4% như kỳ vọng, tín dụng thì sẽ tăng nhanh vào những tháng tới - chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ tiếp tục phát hành với khối lượng lớn... nên sẽ gây áp lực tăng lãi suất lên các ngân hàng những tháng cuối năm.