Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư ưu tiên

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, việc đầu tư tiền nhàn rỗi vào kênh gửi tiết kiệm hay các kênh khác thường phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư khá ổn định và an toàn nhất.

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư ưu tiên
Thực tế cho thấy, gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư khá ổn định và an toàn nhất. Nguồn: internet
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 20/8/2013, tín dụng toàn hệ thống ước tăng 5,4% so với tháng 12/2012; tổng phương tiện thanh toán tăng 8,4%. Số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 9,5%.

Huy động vốn bằng VND tăng trên 10%, tập trung chủ yếu ở khu vực dân cư.

Điều đó cho thấy, gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh ưu tiên hàng đầu của người dân, dù lãi suất huy động giảm 2 - 2,5% so với thời điểm đầu năm nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định, tỷ giá biến động nhẹ gần đây đã có phần tác động đến tâm lý người dân.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là hiện tượng nhất thời, vì so với tiền đồng, hiện lãi suất ngoại tệ chỉ bằng 1/3. Hơn nữa, tỷ giá sẽ được NHNN kiểm soát không vượt quá biên độ 2% trong năm nay và cung ngoại tệ hiện cũng khá dồi dào.

“Với người dân, gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp được lựa chọn trong bối cảnh thị trường hiện nay. Thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc, bởi gói vốn 30.000 tỷ đồng chỉ dành cho phân khúc nhà ở xã hội. Thị trường vàng diễn biến khó lường, dù đang giảm giá, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức cao (trên 2 triệu đồng/lượng)”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định.

Bình luận về biến động của tỷ giá hối đoái thời gian qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó chỉ là nhất thời, bởi chủ trương của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra trong thông điệp đầu năm là sẽ kiểm soát tỷ giá ở biên độ không quá 1 - 2%.

Vì thế, việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay cũng được đánh giá chưa thực sự có lợi. Do đó, tiền đồng sẽ khó chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác trong bối cảnh hiện nay.

Với mức lãi suất 7%/năm hiện nay, theo các chuyên gia lĩnh vực tài chính - tiền tệ, gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp an toàn, đó là chưa kể lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài trên 1 năm vẫn đang ở mức phổ biến 8 - 9%/năm.

Mặt khác, tình trạng “xé” trần lãi suất để thu hút tiền gửi, với mức lãi suất thực ngân hàng chi trả cho khách hàng còn cao hơn 9%/năm, thì gửi tiết kiệm bằng tiền đồng lợi tức vẫn tốt hơn so với các kênh đầu tư khác.