Hai mặt của chính sách tiền tệ năm 2012

Lương Bằng (HQ Online)

Chính sách tiền tệ năm 2012 đã có những chuyển biến tích cực hơn so với năm 2011 nhưng vẫn còn tồn tại nhiều mặt trái cần rút kinh nghiệm.

Hai mặt của chính sách tiền tệ năm 2012
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điểm sáng

Khi nhận định về chính sách tiền tệ trong năm 2012 tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế 2012 do Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng không tiếc lời khen ngợi. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, thành tích nổi bật của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2012 là đã kiểm soát cung tiền ở mức hợp lí, mà nhất là tăng trưởng tín dụng nhằm kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2012, hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chia thành 4 nhóm, tương ứng với các mức là 17%, 15%, 8% và 0%, quy định tỉ trọng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích là 16%.

"Việc thực hiện biện pháp hạn mức tín dụng là rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Đây là một công cụ tiền tệ trực tiếp, có tác động mạnh đến việc hạn chế tăng khối lượng tiền trong nền kinh tế, cũng như hướng các ngân hàng thương mại lựa chọn những dự án hiệu quả để đầu tư" - bà Nguyễn Thị Kim Thanh đánh giá.

Ngoài ra, diễn biến của thị trường cuối năm 2011 nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục xử lí là áp lực về thanh khoản còn cao, lãi suất trên thị trường có xu hướng tăng, các giao dịch trên thị trường chưa thực sự thông suốt... Tuy nhiên trong 10 tháng đầu năm 2012, thị trường tiền tệ đã diễn biến theo xu hướng tích cực, những áp lực tăng lãi suất năm 2011 đã chuyển hướng bằng xu hướng giảm lãi suất mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm và tiếp tục giảm trong tháng 10.

Đối với ngoại tệ, công tác điều hành chính sách tỉ giá cùng với diễn biến khả quan của cung-cầu ngoại tệ trong nền kinh tế góp phần giúp diễn biến tỉ giá USD/VNĐ trong những tháng qua tiếp tục duy trì xu thế ổn định. Tỉ giá bình quân liên ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mức 28.828 VND/USD. Tỉ giá giao dịch của ngân hàng thương mại duy trì trong khoảng 20.850-20.900 VNĐ/USD.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh nhận xét: "Điểm đáng lưu ý trong chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm 2012 đó là tính chủ động cao của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Trong quá trình điều hành có sự kết hợp với chính sách quản lí ngoại hối đã góp phần ổn định tỉ giá, tăng lòng tin vào đồng Việt Nam, từng bước thực hiện chủ trương giảm dần tình trạng đô la hóa..."

Còn nhiều khoảng tối

Bình luận về những đánh giá của TS. Nguyễn Thị Kim Thanh về chính sách tiền tệ trong năm 2012, TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã thẳng thắn "phê" rằng: Quan điểm của TS. Nguyễn Thị Kim Thanh mới chỉ nêu lên những ưu điểm, những điểm đã làm được mà chưa chỉ rõ được những mặt trái, những điều chưa làm được, những vấn đề cần phải được rút kinh nghiệm của chính sách tiền tệ trong năm 2012.

Theo TS. Hà Huy Tuấn, chính sách tiền tệ năm 2012 vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là do nhiều nguyên nhân khác nhau, tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lí nợ xấu vẫn còn khá chậm, gây tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng trong năm 2012.

Cụ thể do tỉ lệ nợ xấu cao khiến chi phí của ngân hàng tăng mạnh khi phải dự phòng rủi ro lớn. Đồng thời các ngân hàng thương mại cũng dè dặt và chặt chẽ hơn trong việc cho vay đối với doanh nghiệp. Như vậy có thể thấy về mặt danh nghĩa, lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng nguồn vốn tín dụng vẫn chưa thực sự đến được với doanh nghiệp.

Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận các ngân hàng thương mại đang gặp vấn đề về thanh khoản nhưng do không đủ điều kiện để tham gia vào thị trường liên ngân hàng nên phải tiếp tục nâng lãi suất huy động kì hạn trên 12 tháng lên cao để đẩy mạnh huy động nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản.

"Nói tóm lại trên thị trường tiền tệ hiện nay đang có sự phân hóa về thanh khoản khá rõ ràng giữa hai nhóm, nhóm những ngân hàng lớn trong tình trạng dư thừa thanh khoản và nhóm những ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản." - Ông Hà Huy Tuấn chia sẻ.

Nhìn chung vấn đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tiến trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại đang diễn ra chậm chạp. Nhưng theo các chuyên gia, quan trọng hơn là trong quá trình thực hiện cần thường xuyên có những đánh giá về những mặt được, và chưa được của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ví dụ như cần có những đánh giá cụ thể về việc hợp nhất 3 ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn đã thực sự đem lại kết quả như mong đợi? Hiện nay hiệu quả hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập như thế nào? Từ đó rút ra những kinh nghiệm để tiếp tục quá trình tái cơ cấu một cách hợp lí hơn.